Hàng không Thái Lan tìm cách giảm giá vé sau khi OPEC+ giảm sản lượng

Thứ Ba, 18/04/2023 - 14:21 GMT+7

Hiệp hội Hàng không Thái Lan cho rằng chính phủ có thể hỗ trợ các hãng hàng không về thuế nhiên liệu máy bay, phí dịch vụ... để kìm chế giá vé máy bay tăng do OPEC+ giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5.

Hiệp hội Hàng không Thái Lan (AAT) đang kêu gọi chính phủ giảm thuế nhiên liệu và phí hoạt động tại các sân bay, cho rằng gánh nặng chi phí thấp hơn sẽ giúp giảm giá vé máy bay, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nguy cơ giá dầu tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng.

 

 Chủ tịch AAT Puttipong Prasarttong-Osoth cho biết chính phủ có thể hỗ trợ các hãng hàng không về chi phí, bao gồm thuế nhiên liệu máy bay cũng như phí dịch vụ theo yêu cầu của Cơ quan quản lý sân bay Thái Lan (AOT) và Đài phát thanh hàng không Thái Lan.

 

Ông Puttipong cho rằng các biện pháp như vậy sẽ rất cần thiết để kìm chế giá vé máy bay tăng do OPEC+ giảm sản lượng dầu bắt đầu từ tháng tới.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng giá vé máy bay tăng đột biến không phải là mối lo ngại lớn, miễn là Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) có thể điều chỉnh giá vé vượt qua mức trần mà cơ quan này đã đặt ra.

Chủ tịch AAT cũng đánh giá chương trình miễn thị thực cho các thị trường nổi bật vẫn rất quan trọng để thúc đẩy lượng khách quốc tế đến từ các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Các chiến lược quan trọng khác bao gồm tập trung vào các phân khúc có tiềm năng chi tiêu cao, chẳng hạn như khách lưu trú dài ngày, khách du lịch chăm sóc sức khỏe và những người đam mê thể thao.

 

Về tiêu dùng trong nước, ông Puttipong khuyến nghị chính phủ xem xét áp dụng lại chương trình đồng thanh toán hoặc trợ cấp đi lại cho người dân, chẳng hạn như chương trình “Chúng ta du lịch cùng nhau” (We Travel Together).

 

Theo ông, hiện tại các hãng hàng không phải chịu chi phí vận hành cao hơn so với các dịch vụ vận tải khác chủ yếu do nhiên liệu máy bay chiếm khoảng 30% hoạt động của các hãng hàng không, cùng với chi phí lớn cho các tiêu chuẩn an toàn như sửa chữa và bảo trì máy móc vốn đã trở nên đắt đỏ hơn sau đại dịch COVID-19.

 

Ông Puttipong cho biết một yếu tố khác khiến giá vé máy bay tăng cao là tình trạng thiếu máy bay do các hãng hàng không không thể đưa máy bay nhàn rỗi trở lại hoạt động ngay lập tức vì số máy bay này cần phải bảo dưỡng, trong khi nhu cầu phụ tùng thay thế cũng rất lớn.

Nhiều hãng hàng không hiện ghi nhận tỷ lệ ghế trống trên mỗi km thấp hơn do nguồn cung ghế hạn chế./.

 (TTXVN/Vietnam+)