Cấp thiết sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Thứ Năm, 22/12/2022 - 09:24 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm xây dựng báo cáo, trình sửa đổi Luật.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội Khóa XI thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 và được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 sửa đổi, bổ sung một số điều. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng (HKDD).

(Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh những kết quả quan trọng trong triển khai thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).

Luật HKDD Việt Nam và các văn bản hướng dẫn luật là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam, đã thực sự khẳng định được vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật về HKDD.

Đây là cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn bộ hoạt động HKDD, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế của Việt Nam nói riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới nói chung.

Trong quá trình thực hiện Luật, Bộ GTVT cũng đã chú trọng đến việc rà soát các tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết Luật.

Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có đánh giá, tổng kết, nghiên cứu hoàn thiện thêm các chính sách pháp luật về HKDD nhằm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Xác định được vai trò quan trọng trong việc đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành địa phương xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Luật HKDD Việt Nam. Để hoàn thiện báo cáo, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá thi hành Luật để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật, qua đó tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.

Báo cáo kết quả thực hiện Luật KHDD Việt Nam, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT cho biết, qua 16 năm triển khai thực hiện Luật HKDD Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kịp thời; Việc tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản dưới Luật được thực hiện trọng tâm, thường xuyên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả.

Về an toàn hàng không, Luật HKDD Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập hệ thống quản lý và giám sát phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức HKDD quốc tế (ICAO). Công tác quản lý hoạt động bay được triển khai toàn diện và ngày càng hoàn thiện hơn trên nhiều mặt.

Cùng đó, bảo đảm an ninh hàng không được triển khai thực hiện với nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; gắn nhiệm vụ phát triển ngành hàng không với nhiệm vụ ANQP. Kết quả cho thấy, công tác này đã thiết lập được hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững chắc, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh hàng không, bảo đảm an toàn cho những chuyến bay, hành khách.

Đặc biệt, trong công tác xây dựng, hạ tầng các cảng hàng không đã được đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch với nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào khai thác như: Xây mới cảng HKQT Phú Quốc; Mở rộng nhà ga và khu bay tại cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... Việc đầu tư, phát triển 22 cảng hàng không, sân bay theo hướng hiện đại, đồng bộ đã đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không, đồng thời góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH của địa phương.

Về vận tải, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam ngày càng được nâng cao thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và không ngừng mở rộng hoạt động khai thác các đường bay quốc tế. Loại hình cung cấp dịch vụ hàng không chung dần được đa dạng hóa...

Sửa đổi Luật HKDD Việt Nam là cấp thiết

Bà Nga cho biết, trong quá trình triển khai thi hành Luật HKDD Việt Nam cũng đã nảy sinh các bất cập, hạn chế. Nguyên nhân do công tác quản lý Nhà nước về HKDD đôi lúc còn chưa chủ động để đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa theo kịp nhu cầu thị trường; Hệ thống pháp luật có liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung dẫn đến thiếu đồng bộ, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dâ trong việc thực thi, áp dụng cơ chế, chính sách.

(Các đại biểu đều nhấn mạnh sự cấp thiết sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn).

Nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng càng hàng không, sân bay rất lớn, cơ chế đầu tư chưa rõ ràng nên việc tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng trong lĩnh vực HKDD chưa cao...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các Sở GTVT các tỉnh, các doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp vận tải... nhấn mạnh sự nhất thiết phải sửa đổi Luật HKDD Việt Nam cho phù hợp với tình hình, nhu cầu mới từ thực tiễn.

Nhấn mạnh sửa đổi Luật lần này là cấp bách để xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho rằng, cần đặt ra mục tiêu rõ ràng khi sửa Luật. Phải khẳng định Luật HKDD là trung tâm trong việc xử lý các mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật về hàng không.

Theo Chủ tịch ACV, đầu tư cảng hàng không, sân bay cần nguồn vốn rất lớn, cần huy động vốn xã hội hóa. Tuy nhiên đối với hạ tầng giao thông hiện chỉ đầu tư theo hai hình thức: Ngân sách Nhà nước hoặc đối tác công - tư (PPP). Vậy với cảng hàng không, sân bay và các công trình tại cảng hàng không, sân bay liệu nhà đầu tư tư nhân có thể bỏ vốn đầu tư trực tiếp, toàn bộ, không cần vốn Nhà nước tham gia không? Điều này cần được luật hóa, phân định rõ hạ tầng nào là thiết yếu, không thiết yếu để xác định đầu tư theo hình thức nào.

“Cần xác định vai trò của cảng HKDD trong Luật, từ đó xác định hình thức đầu tư, quản lý đối với cảng và các công trình tại cảng”, ông Thanh nói và cho rằng trong Luật cần làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, làm sao cho thu hút được nhiều nguồn lực hơn, triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, các đại biểu đến từ các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, các doanh nghiệp hàng không cho rằng, cần có cơ chế thu hút nguồn vốn tư nhân để đầu tư hạ tầng sân bay, từ đó sớm thực hiện được quy hoạch sân bay tại địa phương, góp phần phát triển KTXH.../.

(baogiaothong.vn)