Buổi tọa đàm có sự tham dự của: Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT; Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Ngoài ra, còn có đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư- Bộ GTVT, Đại diện Bộ KHĐT, Cục HKVN, Viện chiến lược và phát triển GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn;các khách mời đến từ Sở GTVT, Kế hoạch đầu tư các địa phương như Quảng Ninh, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Nông, Tây Ninh… và các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng không.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, triển khai Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác 1121, Bộ GTVT đã gửi đề cương “Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không” tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.
Qua buổi tọa đàm, Bộ GTVT rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới.
Đây là hoạt động quan trọng giúp cho các địa phương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không của từng địa phương trước khi trình Tổ công tác xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam khoảng 18%. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á .
Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các CHK tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước trung ương cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Do đó ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác. Trong giai đoạn 2021-2025 ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và các CHK như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo...
Trong bối cảnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.
Ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hoà (Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hoá đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu…/.
(baogiaothong.vn)