Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn của VATM và vốn vay thương mại trong nước.
Dự án thực hiện đầu tư công trình xây dựng và thiết bị công nghệ: (1) Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT); (2) Trạm radar sơ cấp/Thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến VHF không địa (PSR/SSR/Tx); (3) Trạm thu sóng vô tuyến VHF không địa và Hệ thống giám sát tự động phụ thuộc (Rx/ADS-B); (4) Trạm radar khí tượng; (5) Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li (DVOR/DME); (6) Hệ thống giám sát đa điểm (MLAT); (7) Hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS); (8) Hệ thống cảnh báo gió đứt; (9) Hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay; (10) Hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” có tổng diện tích khoảng 70.000m2. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại Cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời Cảng hàng không.
Công trình được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh. Tháp điều hành có chiều cao 123m được trang bị radar trên đỉnh tháp, diện tích xây dựng khoảng 80m2, đường kính thân tháp khoảng 10m, cabin kiểm soát tại sân có diện tích khoảng 150m2 và 2 cabin kiểm soát sân đỗ với diện tích mỗi cabin khoảng 70 m2. Các hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.
Việc đầu tư xây dựng “Các công trình phục vụ quản lý bay” là yêu cầu tất yếu khi đầu tư xây dựng công trình “Cảng hàng không quốc tế Long Thành” với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án.
Đây là công trình giao thông đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Dự án được dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác chính thức trong năm 2025./.