Dấu ấn của Ngành hàng không trong sự kiện tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 07/12/2021 - 09:59 GMT+7

Cách đây hai mươi bảy năm, đúng 00h00 giờ quốc tế ngày 08 tháng 12 năm 1994 phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đã chính thức chuyển giao cho Hàng không dân dụng Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành.

Để đạt được thắng lợi to lớn này, ngành Hàng không Việt Nam đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức và trong hành trình đầy gian nan này đã ghi đậm dấu ấn của Ngành.

Trước năm 1975, vùng trời trách nhiệm của Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) phân công bao gồm 02 vùng FIR là FIR Hà Nội và FIR Sài Gòn. FIR Sài Gòn (do chính quyền VNCH kiểm soát, điều hành) được thiết lập tại Hội nghị không vận liên vùng Trung Đông – Đông Nam Á tại Roma – Ý năm 1959 và có sự điều chỉnh về ranh giới FIR được thông qua tại Hội nghị không vận vùng Đông Nam Á năm 1963. FIR Hà Nội được thiết lập tại Hội nghị không vận châu Á/Thái Bình Dương lần thứ nhất (RAN1) tại Honolulu – Mỹ năm 1973 (Việt Nam không có đại diện tham dự Hội nghị này), có ranh giới tiếp giáp với FIR Côn Minh, Quảng Châu, Sài Gòn và Viên Chăn.

Tháng 4 năm 1975 đứng trước tình hình chính trị ở Sài Gòn có nhiều biến động lớn, chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu Hàng không trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, (ICAO) đã đề xuất kế hoạch tạm thời phân chia vùng trời trên công hải Biển Đông thuộc FIR Sài Gòn thành 3 vùng trách nhiệm lâm thời (AOR), tạm giao cho Thái Lan, Singapore, Hồng Kông đảm nhiệm, quản lý (có hiệu từ 0000 giờ ngày 28/4/1975).

Ý thức được tầm quan trọng trong việc đấu tranh giành quyền kiểm soát đối với FIR Sài Gòn, Cục HKDD Việt Nam đã sớm báo cáo, kiến nghị và xin ý kiến về chủ trương, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Từ năm 1978, trong các văn kiện ngoại giao của Việt Nam, FIR Sài Gòn được đổi tên thành FIR Hồ Chí Minh như một tuyên bố ngoại giao gián tiếp khẳng định quyền kế thừa kiểm soát của Việt Nam đối với vùng trời này.

Nguyên tắc ICAO phân định FIR và giao quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ mang bản chất của các vấn đề về kỹ thuật, nhằm bảo đảm các hoạt động bay được an toàn, điều hòa và hiệu quả theo các chuẩn mực do ICAO quy định. Sau giải phóng, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, Mỹ và nhiều nước phương Tây siết chặt cấm vận, chúng ta bên cạnh việc phải ổn định về kinh tế, xã hội thời hậu chiến còn phải đối mặt với những vấn đề an ninh, quốc phòng. Trong bối cảnh đó, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của đất nước.

Để có được những trang thiết bị kỹ thuật cao cũng như đào tạo nhân lực đáp ứng các yêu cầu của ICAO là những việc gần như “bất khả thi”. Thời gian này, bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất lớn từ ICAO và Liên Xô, đặc biệt là viện trợ về kỹ thuật, chúng ta chủ yếu tập trung vào biên soạn các tài liệu khai thác các trung tâm kiểm soát không lưu, trung tâm thông tin hàng không theo đúng quy tắc quốc tế. Tuy chưa thực hiện được mục tiêu giành lại vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhưng mục tiêu này vẫn luôn nằm trong tâm thế của các cán bộ, chiến sĩ ngành Hàng không.

Năm 1983, tại Hội nghị không vận khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần thứ hai (RAN-2) họp tại Singapore, đã có quốc gia đề nghị mở rộng FIR lân cận mà theo đề nghị này các FIR Hà Nội, FIR HCM sẽ bị thu hẹp. Do còn chưa chuẩn bị được các điều kiện cần thiết nhằm giành lại quyền điều hành hoàn toàn các vùng AOR, đoàn Việt Nam đề nghị giữ nguyên hiện trạng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, bằng sự khéo léo, kiên quyết của phái đoànViệt Nam, Hội nghị đã thống nhất giữ nguyên các vùng trách nhiệm lâm thời mà ICAO đã xác lập vào ngày 28 tháng 4 năm 1975. Sau Hội nghị RAN-2, Việt Nam có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, tiếp tục cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh với những thời cơ và thách thức mới.

Tiếp theo những năm sau đó ngành Hàng không dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của tổ chức ICAO và các Bộ ngành liên quan đã tiếp tục nỗ lực trong cuộc đấu tranh giành lại phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Một loạt các đề án đầu tư, nâng cấp cho FIR và ngành Hàng không được Chính phủ thông qua như: Đề án VIE-84-004 nhằm nâng cấp công tác thông tin, khí tượng, không báo; Đề án VIE-84-005 nhằm nâng cấp trường Hàng không Việt Nam, bao gồm dụng cụ giảng dạy và thuê chuyên gia nước ngoài vào huấn luyện Kiểm soát viên không lưu, thông tin và bảo trì kỹ thuật thông tin; Đề án VIE-88-023 là đề án lớn nhất nhằm phát triển tổng thể ngành Hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực nhưng chúng ta phải tập trung vào những hạng mục có liên quan phục vụ cho việc giành lại quyền  điều hành FIR như: hệ thống cảng hàng không, sân bay, công tác khẩn nguy, hệ thống rađar, thông tin kiểm soát không lưu, dẫn đường, hệ thống đảm bảo khí tượng hàng không, công tác tìm kiếm cứu nạn…

Ngày 04/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT về “Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh”. Chấp hành Chỉ thị 05, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng cục Hàng không đã trình Hội đồng Bộ trưởng chương trình giành lại quyền quản lý và điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ các mục tiêu cơ bản và mục tiêu cụ thể.

Tháng 7/1988, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không quyết định thành lập Ban Quản lý công trình khôi phục vùng thông báo bay Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng cục Hàng không do ông Hà Cân làm trưởng ban. Năm 1989, Nghị quyết Đảng ủy Tổng cục Hàng không đặt ra chương trình nhiệm vụ giành lại quyền quản lý và điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh là công việc chính của Tổng cục và xác định: “Nhiệm vụ giành lại quyền quản lý và điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu của đất nước, của quốc phòng, vừa lại rất thiết thực với Tổng cục Hàng không trong kinh doanh và bảo đảm bay an toàn. Từ đó nêu cao trách nhiệm, tích cực hoàn thành việc khôi phục vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt. Trọng tâm là mua sắm thiết bị, xây dựng công trình cho việc lắp đặt và tổ chức đào tạo cán bộ, công nhân viên…”

Như vậy, thời gian này, chúng ta dồn toàn lực thực hiện  mua sắm đầu tư trang thiết bị; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật; kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hóa, xây dựng mới các trung tâm điều hành bay đường dài, các cơ sở kiểm soát tiếp cận, các đài kiểm soát tại sân và các hệ thống đường cất hạ cánh được lắp đặt trang thiết bị phụ trợ dẫn đường theo tiêu chuẩn ICAO…

(Ông Hà Cân, Phó Tổng cục trưởng Cục HKDD Việt Nam thăm Cộng hòa Pháp khảo sát mua thiết bị cho công trình FIR Hồ Chí Minh_

Một trong những sự kiện rất quan trọng đối với ngành Quản lý bay Việt Nam là ngày 24/01/1992, Hàng không Việt Nam đã tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 1992, công trình vùng thông báo bay Hà Nội (mã số đề án VIE/89/901) cũng đã hoàn thành.

Ông M.R.Hood đại diện ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có những phát biểu rất khách quan: …. “Giờ đây các bạn đã có những thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc còn lại là nhân viên đặt tay vào để bảo đảm thiết bị sử dụng sao cho cung cấp được những sự vụ theo tầm mức quốc tế. Việc này có nghĩa là tiêu chuẩn độ tin cậy thiết bị 99,99%.. Tôi ca ngợi các cấp thẩm quyền về tư tưởng hướng về tương lai…, các nhân viên hàng không về sự tận tụy và bền bỉ của họ trong việc lắp đặt và cho hoạt động các thiết bị.”

 
(Trung tâm ACC Tân Sơn Nhất được xây dựng mới, năm 1992)

Tại kỳ họp lần thứ 29 của Đại Hội đồng ICAO được tổ chức tại Montreal (Canada) từ ngày 22/9/1992 đến ngày 08/10/1992. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Hồng Nhị- Cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn đã tham gia Hội nghị. Đoàn đã có cuộc gặp gỡ quan trọng với chủ tịch Đại hội đồng ICAO- Tiến sỹ ASSAD KOTAITE. Đoàn Việt Nam khẳng định việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo con người theo đúng tiêu chuẩn của ICAO. Bây giờ Việt Nam có đầy đủ điều kiện và khả năng tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ không lưu tại vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1992, lãnh đạo Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Chính trị về tình hình chuẩn bị nhận lại quyền quản lý vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị yêu cầu phải tích cực đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, vận động các nước tham gia hội nghị RAN 3 ủng hộ Việt Nam và trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện một cách hiệu quả, thành công các nội dung của Đề án vận động do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng.

Trước khi Hội nghị RAN 3 khai mạc, để khẳng định với ICAO và các nước tham gia Hội nghị RAN 3 rằng Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận và quản lý vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, ngày 12/3/1993 Chính phủ đã đồng ý cho phép Cục Hàng không đầu tư 5 trạm rada giám sát hàng không. Cục Hàng không đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống giám sát vùng thông báo bay Hồ Chí Minh với hãng Thomson-CSF của Cộng hòa Pháp.

Radar kiểm soát bay hiện đại của hãng Thomson (Pháp) được đưa vào khai thác, năm 1993

Hội nghị Không vận khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần thứ ba (RAN-3) họp tại Băng Cốc- Thái Lan (từ ngày 19/4 đến ngày 7/5 năm 1993) có 40 đoàn đại biểu đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã quyết định cử ông Nguyễn Hồng Nhị, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng VN làm trưởng đoàn, ông Đào Mạnh Nhương, phó Cục trưởng làm phó đoàn và một số chuyên viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên môn và ngoại giao của Ban Biên giới Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cục Hàng không dân dụng VN tham dự. Tại Hội nghị đoàn Việt Nam đấu tranh xóa bỏ kế hoạch tạm thời của ICAO trong FIR Hồ Chí Minh và yêu cầu ICAO giao cho Việt Nam điều hành vùng FIR Hồ Chí Minh với tuyên bố và dẫn chứng về sáu lĩnh vực ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. Với tinh thần đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trong luật pháp và thông lệ quốc tế, cuối cùng Hội nghị RAN-3 đã đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn tại phiên họp thứ 9, kỳ họp thứ 140 ngày 24/11/1993: “ Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO. Đối với phần phía Bắc vùng thông báo bay Hồ Chí Minh thành lập nhóm làm việc đặc biệt gồm 13 nước và 2 tổ chức quốc tế tiếp tục làm việc sau Hội nghị RAN-3 để nghiên cứu, sớm có phương án giải quyết trình Hội đồng ICAO”.

Bút tích của ông Nguyễn Hồng Nhị, Cục trưởng Cục Hàng không, Trưởng đoàn tham dự RAN-3


Tiếp sau Hội nghị RAN-3, ngành Hàng không tập trung chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Các hạng mục công trình phục vụ cho công tác này được giao cho Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Ngày 05 tháng 12 năm 1994, tại Hội trường Ba Đình- Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức trong thể Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (07/12/1944- 07/12/1994) và tiếp nhận quyền quản lý điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải cùng đại diện ICAO khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đại diện Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới, đại diện Hàng không dân dụng của 7 nước trong khu vực đã tham dự. Đúng 00h00 giờ quốc tế ngày 08 tháng 12 năm 1994, các trung tâm kiểm soát không lưu Băng Cốc, Xinhgapo đã chính thức chuyển giao việc quản lý, điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh cho Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp ngài Lalit B SHAH - Giám đốc văn phòng ICAO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, năm 1994

Như vậy, sau hơn 18 năm đấu tranh kiên trì, khôn khéo và cương quyết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương trên phương diện ngoại giao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không; đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng đây là một sự kiện trọng đại không chỉ đối với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng mà còn là sự kiện trọng đại với đất nước nói chung. Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao trên nhiều phương diện: chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế.

(vatm.vn)