Xã
hội hoá đầu tư, thu hút các nguồn lực vào hàng không nói chung và kết cấu hạ
tầng hàng không nói riêng được đề cập đến từ chục năm nay. Tuy nhiên, những dự
án hạ tầng hàng không được xã hội hoá chưa nhiều, có chăng mới là sân bay Vân
Đồn, nhà ga quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh. Trên thực tế, với nguồn vốn đầu tư từ
ngân sách Nhà nước cho hàng không rất hạn hẹp, nguồn quỹ tích lũy của doanh
nghiệp nhà nước chỉ đáp ứng trong phạm vi các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Do đó, rất cần thu hút các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để
huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.
Đây
cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế, dù Việt Nam có tới 22 sân
bay đang khai thác, nhưng tổng công suất cảng hàng không mới đạt hơn 90 triệu
khách/năm, chỉ bằng sân bay Changi của Singapore hay bằng một sân bay mới xây ở
Bangkok, Malaysia.
Trong
Đề án đang xây dựng, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định mục tiêu dài hạn là huy
động mọi nguồn lực xã hội để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
hàng không, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Việc huy động vốn đảm bảo
nguyên tắc “mỗi cảng hàng không, sân bay có một người khai thác cảng hàng
không, sân bay”; đồng thời, đảm bảo vai trò của doanh nghiệp cảng hàng không; tăng
cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước...
Trước
mắt, đến năm 2022 tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật
nhằm khuyến khích, kêu gọi các nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư. Đến
năm 2025 hoàn thành cơ bản việc đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đồng bộ
các hạng mục công trình các CHK cửa ngõ và quan trọng như: Long Thành, Tân Sơn
Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Chu Lai…