Mục tiêu của Kế hoạch là huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả tai nạn tàu bay dân dụng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn hàng không; góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; khẳng định trách nhiệm của quốc gia trong việc tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.
Kế hoạch nêu rõ dự kiến một số tình huống tai nạn, sự cố tàu bay có thể xảy ra như: tàu bay đang trong tình trạng khẩn nguy hoặc có nguy cơ bị nạn; tìm kiếm tàu bay lâm nạn khi chưa xác định được vị trí; đã biết tàu bay bị lâm nạn, xảy ra tại khu vực cảng hàng không, sân bay; trên biển, trên đất liền (miền núi, đồng bằng, khu dân cư…) hoặc trong khu vực quân sự; tàu bay bị lâm nạn là tàu bay thuộc hãng hàng không Việt Nam, hãng hàng không nước ngoài đi, đến cảng hàng không Việt Nam, tàu bay nước ngoài bay qua vùng Thông báo bay của Việt Nam; người bị nạn là người trong nước hoặc có nhiều quốc tịch khác nhau…
Hệ thống tổ chức ứng phó tai nạn tàu bay dân dụng gồm: cấp quốc gia (Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn); cấp bộ, ngành (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn); cấp địa phương (Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh, huyện, xã).
Lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó trên đất liền gồm Bộ GTVT (Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng không, Trung tâm hiệp đồng Tìm kiếm cứu nạn hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam và các cơ quan, đơn vị khác của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam- VTAM; Trung tâm khẩn nguy cảng hàng không thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam –ACV, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; các cơ quan đơn vị khác của ACV; các hãng hàng không và các doanh nghiệp hàng không khác; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn, xây dựng, vận tải đường không, đường sắt, đường thủy nội địa, viễn thông, y tế,…); Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các lực lượng khác.
Lực lượng tham gia ứng phó trên biển gồm Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các lực lượng khác.
Nhiệm vụ phòng ngừa tai nạn tàu bay dân dụng của các Bộ: Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành khác.
Về ứng phó và khắc phục hậu quả tai nạn tàu bay dân dụng, Kế hoạch nêu rõ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn hoặc trực tiếp chỉ huy khi nhận điện báo cáo của các tổ chức, cá nhân; tùy theo vị trí, diễn biến, tính chất tàu bay lâm nguy, lâm nạn để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân kịp thời ứng phó khi xảy ra tình huống tìm kiếm, cứu nạn tàu bay. Những trường hợp trong khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi, chỉ đạo và sẵn sàng phương án trợ giúp các bộ, ngành, địa phương để tổ chức ứng phó.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chịu trách nhiệm điều động tày bay để tham gia tìm kiếm, cứu nạn (các tổ chức, cá nhân có tàu bay được huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu); trong trường hợp lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn nước ngoài là tàu bay, phương tiện và người nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng trong khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của Việt Nam thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp phép cho các chuyến bay, phương tiện và lực lượng theo quy định…
Văn bản cũng nêu rõ nhiệm vụ về ứng phó và khắc phục hậu quả tai nạn tàu bay dân dụng đối với các Bộ: Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an; Thông tin và Truyền thông; Ngoại giao; Y tế; Lao động – Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành, địa phương khác.
Nội dung chi tiết của Kế hoạch Ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu bay dân dụng, xem tại mục “văn bản”./.