Theo đó, các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch là:
a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và đánh giá hiện trạng, thực trạng hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, sự phân bố các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch thời kỳ trước (bao gồm cả Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg);
b) Dự báo xu thế phát triển: Nghiên cứu phương pháp dự báo về vận chuyển hàng không theo hướng dẫn của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hoặc tham khảo kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới. Từ đó dự báo xu thế phát triển, xác định nhu cầu và yêu cầu về vận chuyển hàng không dân dụng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển kinh tế vùng, địa phương và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trong thời kỳ quy hoạch;
c) Đánh giá về mối liên kết của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trong ngành hàng không dân dụng, liên kết vùng; đánh giá tính đồng bộ của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các phương thức vận tải khách như đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải....;
d) Xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; những cơ hội và thách thức phát triển của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc;
đ) Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển và nguyên tắc lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc;
e) Xây dựng phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc;
g) Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
h) Xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và thứ tự ưu tiên thực hiện, trong đó cần phân tích và đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (ví dụ như: nhu cầu, tính khả thi về kinh tế, tính khả thi về tài chính, tác động đến ngành và kinh tế xã hội vùng miền, phù hợp với chính sách phát triển quốc gia và quy hoạch cao hơn...);
i) Xác định giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch: Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; Giải pháp về cơ chế, chính sách theo nhóm ngành; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; Giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân bị ảnh hưởng bởi việc triển khai việc bố trí sử dụng đất và đất có mặt nước theo Quy hoạch;
k) Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và xử lý, tích hợp vào báo cáo quy hoạch.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, tùy theo yêu cầu cần nghiên cứu chuyên sâu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ.