Hơn 3.500 tỷ đồng xây mới sân bay Điện Biên

Thứ Năm, 15/08/2019 - 10:03 GMT+7

Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết để cuối năm 2020 có thể khởi công đầu tư sân bay Điện Biên.

 Đầu tư sân bay là rẻ nhất để nối Điện Biên với cả nước

 Đường băng xuống cấp, nhà ga công suất nhỏ, việc khai thác khó khăn do địa hình miền núi… là những nguyên nhân được các chuyên gia mổ xẻ khi bàn giải pháp nâng cấp sân bay Điện Biên.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, cảng hàng không Điện Biên là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004 với công suất 300 nghìn khách/năm.

Đáng lưu ý, theo ông Thắng, do sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo, tĩnh không 2 đầu đường cất hạ cánh hạn chế nên không thể kéo dài đường băng để khai thác các loại tàu bay lớn như A320, A321 và tương đương. Việc lắp đèn đêm và hệ thống dẫn đường hiện đại cho đường cất hạ cánh hiện hữu cũng không được thực hiện do vướng về tĩnh không, do đó cảng này cũng chỉ khai thác được ban ngày. Đáng nói hơn, do nằm trong khu vực vùng núi cao, điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên có mây mù, mưa, tầm nhìn hạn chế nên tỷ lệ huỷ chuyến tại Điện Biên khá cao so với các sân bay khác.

 
Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác chặng bay ngắn, tàu bay nhỏ. Ảnh: Khánh Linh

“Sân bay Điện Biên vì thế chỉ có thể tiếp nhận tàu bay ATR72 và tương đương nên chỉ khai thác được các chặng bay ngắn như: Hà Nội/Hải Phòng - Điện Biên, không thể mở các đường bay tầm trung trở lên như Đà Nẵng - Điện Biên, TP HCM - Điện Biên”, ông Thắng nói và cho biết thêm, căn cứ Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Điện Biên.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, nghiên cứu xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m x 45m, có hướng chệch hơn 10 độ so với đường cất hạ cánh cũ để đảm bảo không vướng chướng ngại vật, phục vụ khai thác tàu bay A320/A321. Giai đoạn đến năm 2030, sẽ nghiên cứu xây mới nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm, với 6 vị trí đỗ tàu bay.

Cho rằng sân bay Điện Biên hiện tại chính là một trong những “điểm nghẽn” lớn cho sự phát triển KT-XH của Điện Biên, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn nói: “Đi đường bộ từ Hà Nội lên Điện Biên mất 7 - 9 tiếng. Đi máy bay rất bấp bênh, lúc hạ cánh được, lúc không. Xây đường cao tốc thì quá tốn kém, chỉ có làm sân bay, mở đường bay là cách rẻ nhất để có thể nhanh chóng nối Điện Biên với cả nước”.

Khẳng định tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng sân bay Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Sân bay Điện Biên là cầu nối quan trọng kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và quốc tế. Sân bay này cũng giữ vị trí xung yếu trong đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng, đặc biệt quan trọng trong việc triển khai xử lý các tình huống khẩn cấp phục vụ an ninh quốc phòng quốc gia”.

Cân đối đủ hơn 3.500 tỷ, năm 2022 sẽ có sân bay mới

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết DN này sẵn sàng nhận nhiệm vụ nếu được giao đầu tư.

“Hiện chúng tôi đã cân đối được hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư vào Điện Biên. Nếu các thủ tục thuận lợi, cuối năm 2020 có thể khởi công dự án thì đến năm 2022 sẽ hình thành xong một sân bay mới hoàn toàn, đồng bộ cả khu bay, khu hàng không dân dụng cũng như các công trình liên quan đến quản lý điều hành bay”, ông Thanh cho hay.

Bổ sung thêm, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt nói: “Muốn triển khai nhanh dự án này, sau khi trình Thủ tướng chủ trương cho phép ACV đầu tư, cần làm ngay báo cáo khả thi của dự án (dự kiến mất từ 4 - 6 tháng), nếu lại lập báo cáo tiền khả thi, thực hiện đấu thầu các bước… thì rất khó làm nhanh”.

Người đứng đầu ACV cũng cho rằng, nếu tách riêng sân bay Điện Biên, xét về hiệu quả kinh tế là không khả thi. Tuy nhiên, do sự cần thiết phải đầu tư sân bay cũng như sự nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của toàn mạng cảng, ACV sẵn sàng đầu tư vào Điện Biên.

Phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Chủ tịch Phạm Việt Dũng cũng khẳng định sẽ đầu tư khoảng hơn 100 tỷ đồng xây mới một đài kiểm soát không lưu, di chuyển, hoàn thiện trang thiết bị hiện có, trong đó có cả hệ thống quan trắc khí tượng.

“Chia lửa” với doanh nghiệp, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho hay, địa phương cũng sẵn sàng bỏ ra 1.400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác GPMB, xây dựng khu tái định cư…

(baogiaothong.vn)