Ký Thỏa thuận tài trợ giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với Công ty Japan Radio Co., Ltd Nhật Bản

Thứ Sáu, 04/05/2018 - 11:00 GMT+7

Ngày 2/5/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Japan Radio Co., Ltd - Nhật Bản ký kết Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại về cung cấp, lắp đặt, kiểm tra, đánh giá và chuyển giao hệ thống Giám sát đa điểm (gọi tắt là MLAT) tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.

Đây là chương trình hợp tác xuất phát từ đề xuất của phía Công ty Japan Radio Co., Ltd sau khi có sự đồng ý của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và được Bộ Giao thông vận tải Việt Nam chấp thuận, giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Giá trị khoản viện trợ không hoàn lại là 200.000.000 Yên tương đương 43.278.000.000 đồng.


Tổng Giám đốc VATM và Chủ tịch Công ty Japan Radio Co., Ltd ký kết bản thỏa thuận

Mục tiêu và phạm vi của chương trình hợp tác này là Công ty Japan Radio tài trợ không hoàn lại cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bao gồm: trang thiết bị, toàn bộ các chi phí vận chuyển, lắp đặt, bảo hiểm, chi phí chuyên gia, các loại thuế, phí có liên quan để triển khai việc cung cấp, lắp đặt, đánh giá, kiểm tra hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Thời gian thực hiện và hoàn thành Chương trình hợp tác là trong hai năm 2018 – 2019. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, phía Nhật Bản cũng đào tạo chuyển giao công nghệ và tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ MLAT tại Hà Nội và Phú Quốc cho các cán bộ, nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cùng tham dự. Sau khi hoàn thành công tác lắp đặt, kiểm tra, đánh giá, hệ thống MLAT này sẽ được bàn giao toàn bộ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để đưa vào khai thác, phục vụ điều hành bay.


Chủ tịch Hội đồng thành viên Phạm Việt Dũng phát biểu tại lễ ký kết

Hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) là phương tiện giám sát hoạt động bay có hiệu quả tại khu bay và có thể mở rộng ra vùng trời sân bay trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời có khả năng áp dụng cho cả giám sát máy bay lẫn giám sát phương tiện mặt đất được trang bị máy trả lời. Hệ thống cho phép áp dụng tự động hóa trong công tác xử lý thông tin về hoạt động bay ở khu bay, vùng trời sân bay, giảm tải cho kiểm soát viên không lưu và tăng năng lực điều hành bay cho Đài kiểm soát không lưu.

Hiện nay, tại các nước thuộc châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong đã triển khai áp dụng hệ thống MLAT tại các sân bay có mật độ bay cao. Tại Việt Nam, mới có 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất được trang bị hệ thống ra đa giám sát mặt đất, tại các cảng hàng không khác, kiểm soát viên không lưu vẫn chủ yếu điều hành bay bằng mắt. Công nghệ giám sát MLAT là công nghệ mới, hiện chưa được triển khai tại Việt Nam. Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc là cảng hàng không có tần suất hoạt động bay lớn, tốc độ tăng trưởng cao, việc triển khai hệ thống MLAT tại Phú Quốc sẽ cung cấp cho kiểm soát viên không lưu thông tin vị trí, nhận dạng các tàu bay trong khu vực sân bay góp phần điều hành bay an toàn và nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay Phú Quốc đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.

Công ty Radio Co., Ltd được thành lập năm 1915 tại Nhật Bản, là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực điện tử không dây cho ngành công nghiệp truyền thông. Với tư cách là nhà sản xuất và kinh doanh các thiết bị kết nối radio, Japan Radio Co., Ltd kinh doanh chính trong 3 lĩnh vực: hệ thống hàng hải, thiết bị giao tiếp, hạ tầng mạng và các giải pháp nhằm hỗ trợ những dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại thị trường châu Á, Công ty có 3 chi nhánh đặt tại Philippines, Đài Loàn và Hà Nội – Việt Nam.

Hệ thống MLAT do Công ty Japan Radio Co., Ltd sản xuất đã được lắp đặt thử nghiệm tại sân bay Senda, Nhật Bản, được Cục Hàng không Nhật Bản đánh giá cao và có kế hoạch lắp đặt hệ thống MLAT này thay thế cho các hệ thống MLAT tại 8 sân bay của Nhật Bản.

                                                                                      (Nguồn: VATM)