Để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Năm ATGT 2018, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2017; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải; không để xảy ra tai nạn giao thông lĩnh vực hàng không dân dụng. Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác chỉ đạo, thực hiện các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Hoàn thiện các quy định của pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông như cảng hàng không Long Thành, đường cao tốc Bắc- Nam; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014, trong đó nâng cao chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không…
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam:
- Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: xây dựng, hoàn thiện Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; Chương trình An ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng; Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; quy định chi tiết về bảo đảm công tác chuyên cơ; mẫu biên bản, mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
- Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không; văn hóa an toàn hàng không.
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý an toàn hàng không (CASORT), nâng cấp cơ sở dữ liệu về báo cáo sự cố, vụ việc an toàn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo an toàn bắt buộc, tự nguyện trực tiếp trên cơ sở dữ liệu; quản lý kiểm soát chặt chẽ các vật ngoại lai (FOD) và chim, triển khai hoạt động có hiệu quả tổ an toàn đường cất hạ cánh.
- Chỉ đạo, đôn đốc các hãng hàng không, các doanh nghiệp triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn (SMS), phân tích số liệu bay, chương trình hành động và yếu tố con người, tập trung giảm thiểu các sự cố lỗi do con người gây ra.
- Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên hàng không; nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không, đặc biệt về chất lượng giám sát viên an toàn hàng không; xây dựng kế hoạch đào tạo người lái tàu bay cơ bản cho các giám sát viên an toàn lĩnh vực khai thác tàu bay giai đoạn 2018-2020 để đảm bảo đến năm 2020 giảm 50% nhu cầu thuê các giám sát viên bay kiêm nhiệm từ các hãng hàng không.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, hoạt động khai thác tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
(BBT)