Đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5

Thứ Hai, 24/04/2017 - 16:04 GMT+7

Ngày 24/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 1897/CT-CHK về việc triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ trong dịp nghỉ Lễ Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm 2017.



Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 3868/BGTVT-ATGT ngày 12/4/2017 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 năm 2017, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ của Ngành Hàng không trong thời gian nghỉ lễ, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung công việc, cụ thể như sau:
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, căn cứ nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch tăng chuyến đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trong thời gian nghỉ lễ 30/4, phù hợp với năng lực của hãng; bố trí các chuyến bay tăng chuyến vào thời gian thấp điểm tại cảng hàng không, phù hợp với năng lực phục vụ của cảng hàng không; đảm bảo tàu bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời sửa chữa trong thời gian cao điểm; hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến; thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc của thành viên tổ bay.
Các hãng hàng không thực hiện nghiêm các quy định trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi (Thực hiện chính sách giảm giá cho người cao tuổi; trợ giúp cho hành khách và người khuyết tật…). Thực hiện bán vé rộng rãi, chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé. Chuẩn bị tốt tàu bay, tổ bay theo quy chế chuyên cơ, sẵn sàng phục vụ các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.



Ngoài ra, các hãng chỉ đạo các văn phòng đại diện, phòng bán vé máy bay tăng cường kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách; bộ phận làm thủ tục vận chuyển tăng cường kiểm tra các kho hàng, đại lý trước khi nhận hàng hóa để chuyên chở. Rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực (nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay.
Các hãng hàng không duy trì áp dụng hiệu quả chương trình quản lý an toàn liên quan đến yếu tố thời tiết, lập kế hoạch bay, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của tổ bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay nhằm giảm thiểu các sai lỗi do con người gây ra trong quá trình khai thác, bảo dưỡng tàu bay. Căn cứ vào tình trạng hạ tầng của các cảng hàng không sân bay, các hãng hàng không rà soát lại thời gian quay vòng của tàu bay nhằm giảm thiểu số chuyến bay đến muộn.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục HKVN yêu cầu lập kế hoạch bảo đảm an ninh hàng không trong dịp Lễ kỷ niệm 30/4 và 01/5; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị công an, quân đội, hải quan và các đơn vị liên quan để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động hàng không tại địa bàn. Quán triệt, duy trì nghiêm túc các quy định, quy trình bảo đảm an ninh hàng không, đặc biệt lưu ý về kiểm tra, giám sát, soi chiếu hành khách và hành lý, kiểm tra giấy tờ đi tàu bay của hành khách để nâng cao khả năng phát hiện vật phẩm nguy hiểm, hành khách sử dụng giấy tờ tùy thân sai quy định và các vi phạm có liên quan khác. Tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ khu bay, khu vực công cộng cảng hàng không; kiểm tra chặt chẽ việc ra/vào khu vực hạn chế đối với người, phương tiện; tất cả các cổng, cửa ra/vào nhà ga, sân bay, các khu vực thi công nằm trong khu vực hạn chế phải có nhân viên an ninh hàng không kiểm tra, giám sát. 
ACV đảm bảo các trang bị, thiết bị bảo đảm an ninh hàng không hoạt động bình thường, chuẩn bị đủ lực lượng nhân viên an ninh hàng không, nhân viên kỹ thuật để đáp ứng công tác kiểm tra an ninh trong các trường hợp cần thiết. Không để xảy ra tình trạng hành khách bị nhỡ chuyến bay do ùn tắc tại điểm kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không. Thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống mất cắp, chống buôn lậu, gian lận thương mại. 



Ngoài ra, trên cơ sở nguồn lực của các cảng hàng không, sân bay và kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách, tàu bay trong giai đoạn cao điểm 30/4, 01/5. Rà soát việc bố trí, sắp xếp mặt bằng, trang thiết bị và nhân lực trong khu vực nhà ga để tối đa diện tích phục vụ hành khách; tăng cường công tác kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và hoạt động của phương tiện trong khu bay đảm bảo an toàn cho hoạt động bay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dich vụ taxi không để tình trạng taxi dù vào đón khách tại cảng hàng không, sân bay; không để lái xe taxi lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá bất hợp lý.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), cần đảm bảo duy trì đúng chế độ trực của lực lượng lao động trực tiếp tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đặc biệt là dịch vụ điều hành bay (thời gian, quân số tối thiểu), tăng cường công tác kiểm tra giám sát, trực Lãnh đạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng hoạt động của các hệ thống, thiết bị, xác định các rủi ro về kỹ thuật để có biện pháp phòng ngừa và xử lý. Thực hiện đúng các quy trình, quy định, hướng dẫn và các chỉ thị về an toàn trong lúc tác nghiệp.
VATM phải thống kê đầy đủ hoạt động bay (HĐB), báo cáo kịp thời khi có diễn biến bất thường, có tình huống cũng như sự cố liên quan đến HĐB (bao gồm hệ thống kỹ thuật thông tin, dẫn đường, giám sát, diễn biến thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến HĐB, điều hành bay). Phân bổ lịch bay phù hợp, tránh gia tăng đột biến HĐB cùng một thời điểm dẫn đến vượt năng lực thông qua vùng trời, trên mặt đất và năng lực điều hay bay tại các cơ sở cung cấp cấp dịch vụ ĐHB. Tăng cường công tác dự báo, quan trắc khí tượng, đảm bảo chất lượng các bản tin quan trắc, dự báo, có cảnh báo sớm đối với hiện tượng thời tiết xấu cho KSVKL và người lái để có phương án ĐHB phù hợp.
VATM đề nghị các Sư đoàn, Trung đoàn không quân giãn, giảm kế hoạch huấn luyện bay định kỳ, tổ chức bắn đạn thật vào thời gian trên.



Đối với các Cảng vụ hàng không khu vực, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm khả năng phục vụ cao nhất cho các chuyến bay, hành khách trong thời gian cao điểm, kịp thời phát hiện các sự việc, sự cố uy hiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay và báo cáo, đề xuất phương án xử lý. Thực hiện việc kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác… theo quy định. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 để bảo đảm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về an toàn hàng không và các dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay.
Cảng vụ yêu cầu các hãng taxi được nhượng quyền khai thác tại cảng hàng không, sân bay phải có kế hoạch tăng xe taxi để phục vụ hành khách 24/24h đối với các cảng hàng không có hoạt động bay 24/24h và cam kết không tăng cước phí xe phục vụ tại bất cứ khung thời gian nào trong ngày. 
Bên cạnh đó, Cảng vụ phải phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội, Hải quan, người khai thác cảng hàng không sân bay, người khai thác tàu bay và các đơn vị liên quan trên địa bàn cảng hàng không trong việc lập kế hoạch đảm bảo an toàn trong hoạt động hàng không, xây dựng kế hoạch, phương án phục vụ hành khách trong các giai đoạn cao điểm. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành quy định về an toàn hàng không tại các khu vực thuộc cảng hàng không sân bay, đặc biệt là chống việc xâm nhập khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của sân bay.
Cục HKVN cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Ngành cần tăng  cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về công tác bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp xử lý kịp thời khi có vi phạm xảy ra và những vướng mắc phát sinh trong công tác bảo đảm an ninh hàng không và duy trì trật tự công cộng tại địa bàn.
Các đơn vị chấp hành nghiêm việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; cấm mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra ngoài cơ quan, đơn vị trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép.
Các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban nghiệp vụ; xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trong phạm vi trách nhiệm và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Phổ biến, quán triệt đội ngũ người lao động, đặc biệt người lao động trực tiếp phục vụ hành khách có thái độ phục vụ văn minh, chuyên nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh phong trào “4 xin, 4 luôn”.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2895/CT-CHK ngày 15/7/2016 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các đơn vị trong ngành hàng không; Chỉ thị số 5286/CT-CHK ngày 07/12/2016 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không, sân bay.
P.V