Nhiều lợi ích khi đưa vào khai thác đường hàng không song song trục Bắc-Nam

Thứ Ba, 23/08/2016 - 14:50 GMT+7

Các tàu bay không lo tình huống đối đầu, công việc của kiểm soát viên không lưu được giảm tải, giảm thời gian bay, giảm tiêu hao nhiên liệu... là những cái lợi khi hệ thống đường hàng không song song trục Bắc - Nam vừa chính thức được đưa vào khai thác.

Sau một thời gian dài nghiên cứu xây dựng, thiết lập, vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam) ngày 18/8/2016, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã đưa vào khai thác đường hàng không song song trục Bắc – Nam, dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến PBN (RNAV5) – dựa trên công nghệ vệ tinh, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là kết quả sau một thời gian nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng.



Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, việc phải xây dựng và đưa vào khai thác cặp đường hàng không song song, một chiều trên trục Bắc - Nam là do hoạt động bay trong toàn bộ không phận do Việt Nam quản lý đã và đang tăng trưởng nhanh chóng.

Thực tế, theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), vùng thông báo bay của Việt Nam có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới (trung bình 17%/năm). Một ngày có trên 2.000 chuyến bay trên bầu trời Việt Nam. Riêng trên đường bay trục Bắc - Nam (một trong các đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới) đã có gần 700 chuyến bay/ ngày, chiếm khoảng 35% trên toàn mạng đường bay của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy cần phải nghiên cứu để tối ưu hóa, thiết lập, điều chỉnh các đường hàng không, đặc biệt trên tuyến trục chính Bắc – Nam. Việc thiết lập các đường hàng không đơn thuần bằng cách kết nối trực tiếp giữa các đài dẫn đường của mặt đất mà không có sự phân tách như trước đây đã vô tình tạo ra các xung đột về quỹ đạo hoạt động của tàu bay.

Đường hàng không song song trục Bắc – Nam được xây dựng dọc theo chiều dài của đất nước từ Hà Nội vào Tp.Hồ Chí Minh được mang tên Q1, Q2. Hai đường hàng không cách nhau 18 dặm. 

Hệ thống đường bay này phân tách luồng hoạt động bay từ một luồng 2 chiều hiện tại thành 2 luồng hoạt động bay một chiều, có thể nâng gấp đôi năng lực thông qua tàu bay trên trục bay Bắc – Nam, giúp giải tỏa được các xung đột về quỹ đạo của các tàu bay khi tăng, giảm độ cao, giảm thiểu xung đột luồng đi và đến; giúp cho các tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn, giảm tải cho các kiểm soát viên không lưu và tổ lái; rút ngắn thời gian bay trên cùng một lộ trình (do giảm ùn tắc), giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế và giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường; đảm bảo vững chắc an toàn cho hoạt động bay, đáp ứng sự tăng trưởng hoạt động bay ngày càng cao.

Bên cạnh việc xây dựng, thiết lập hai đường hàng không song song trục Bắc – Nam, Cục Hàng không Việt Nam cũng xây dựng các đường bay kết nối từ các sân bay trên toàn quốc với đường hàng không song song; xây dựng và ban hành hàng trăm phương thức đi/đến tại các sân bay có liên quan khi đưa đường hàng không song song vào khai thác.

P.V