Thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tắc nghẽn tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Thứ Hai, 04/07/2016 - 14:47 GMT+7

Ngày 4/7, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... để bàn giải pháp xử lý tắc nghẽn ở Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.


Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp

Theo ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, hiện tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có 51 vị trí đỗ, trong đó có 49 vị trí đỗ khai thác thương mại và 02 vị trí đỗ phục vụ Khẩn nguy cứu nạn. Tổng số vị trí đỗ tại Tân Sơn Nhất hiện đang sử dụng để đỗ qua đêm và khai thác thương mại là 63 vị trí đỗ, do số lượng vị trí đỗ hạn chế, tàu bay đỗ qua đêm nhiều nên Cảng phải triển khai kéo/dắt tàu bay đỗ tạm thời tại vị trí đường lăn. Công suất thiết kế nhà ga Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đáp ứng phục vụ 23 triệu HK/năm, trong đó, nhà ga quốc tế là 10 triệu HK/năm, nhà ga quốc nội là 13 triệu HK/năm.
Phân tích nguyên nhân gây tắc nghẽn tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, ông Đặng Tuấn Tú cho rằng hiện nay, công suất thiết kế nhà ga quốc nội có thể thông qua lượng hành khách 13 triệu HK/năm  (trong đó: Sảnh A là 08 triệu HK và sảnh B là 5 triệu), trong khi đó sản lượng hành khách nội địa thông qua Tân Sơn Nhất trong năm 2015 là hơn 16 triệu HK và dự kiến năm 2016 sản lượng hành khách nội địa sẽ đạt gần 20 triệu hành khách, gấp rưỡi công suất thiết kế của nhà ga nội địa.


Nhà ga nội địa Cảng HKQT Tân Sơn Nhât luôn đông nghịt khách

Bên cạnh đó số lượng các chuyến bay tăng cao, tập trung vào khung giờ cao điểm nên lượng hành khách thông qua Cảng rất lớn. Theo số liệu thống kê từ 16/6/2016 – 22/6/2016, tần suất bay trung bình đạt 630 lượt chuyến đến/đi trong ngày, ngày cao điểm nhất đạt 663 lượt/chuyến vào ngày 17/06/2016, lượng chuyến bay tăng chủ yếu tập trung ở các đường bay nội địa, dự báo tần suất bay ngày cao điểm nhất lịch bay mùa Hè 2016 sẽ đạt hơn 750 lượt chuyến bay đến/đi, cao hơn ngày cao điểm dịp Tết Nguyên Đán 2016.
Ngoài ra, các tuyến đường kết nối với Cảng đang trong giai đoạn thi công nên mặt đường dành cho lưu thông bị thu hẹp, xung quanh khu vực sân bay xuất hiện số lượng chung cư cao tầng xây mới nhiều, dẫn đến lượng dân cư và phương tiện đi lại tăng cao góp phần gây áp lực cho hạ tầng giao thông, cộng với tần suất bay cao tại các khung giờ cao điểm trùng với khung thời gian tan sở: sáng từ 10h30 đến 11h30, chiều từ 16h30 đến 18h00 nên hầu hết các tuyến đường đều rất đông các phương tiện lưu thông, đặc biệt là vào thời điểm có mưa, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng, tắc nghẽn giao thông đến tận nhà ga hành khách.


Các tuyến đường gần Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thường xuyên tắc nghẽn

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị tham dự cũng đã tập trung phân tích thêm các nguyên nhân, yếu tố gây nên tình trạng ùn tắc tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và đưa ra các giải pháp để hạn chế tình trạng này như cải tạo, nâng cấp hạ tầng sân bay, giảm bớt các chuyến bay sang giờ thấp điểm, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng, phối hợp chặt chẽ giữa các hãng hàng không với đơn vị dịch vụ mặt đất...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thống nhất giao Cục Hàng không Việt Nam tiến hành điều chỉnh giảm số chuyến bay trong khung giờ cao điểm từ 16giờ đến 18giờ để hạn chế tắc nghẽn  tại sân bay trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, Cục cũng chuẩn bị các hồ sơ để Bộ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề đất trong sân bay, quản lý điều hành bay cũng như giao thông kết nối với sân bay. 
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực phục vụ của nhà ga, xem xét, sắp xếp lại các hoạt động phi hàng không trong khu vực Cảng.
Nguồn: mt.gov.vn