Vì sao đường băng thứ hai CHK Cam Ranh thi công chậm?

Thứ Tư, 29/06/2016 - 16:04 GMT+7

Dự án xây dựng đường băng thứ 2 CHK quốc tế Cam Ranh dù cấp thiết, xong vẫn chậm tiến độ hơn hai tháng.

Giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất
Đi được gần nửa chặng đường (khởi công ngày 15/3/2015, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng) nhưng dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 - CHK quốc tế Cam Ranh) đang chậm tiến độ. Theo báo cáo của Ban QLDA các công trình trọng điểm Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án, công trình đang chậm khoảng 70 ngày so với tiến độ thi công tổng thể.
“Nguyên nhân chậm chủ yếu do điều kiện thời tiết không thuận lợi, thủ tục về an ninh, rà phá bom mìn cũng như phải đảm bảo an toàn tín hiệu của các thiết bị điều khiển bay”, đại diện chủ đầu tư thông tin.
Cũng theo vị này, dù dự án đã đi được gần nửa chặng đường, song công tác GPMB phục vụ dự án hiện chưa hoàn tất, đặc biệt là vùng đất nằm ngoài sân bay thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân quản lý. “Dự án cần phải thu hồi 1,67ha đất nằm ngoài sân bay do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân quản lý để thi công hệ thống đèn tiếp cận, dẫn hướng máy bay lên xuống. Đến nay, chủ đầu tư mới tổ chức đo đạc xong bản đồ địa chính và đang phối hợp với Bộ Quốc phòng làm các thủ tục thu hồi đất”, vị này cho biết thêm.
Hiện tại, CHK quốc tế này chỉ đang khai thác duy nhất một đường băng dài hơn 3.000m do Mỹ xây dựng gần 50 năm trước, đã và đang xuống cấp. Đáng nói hơn, đường băng này chỉ phù hợp cho máy bay A320 song do nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa nên CHK quốc tế Cam Ranh vẫn đang khai thác các máy bay lớn hơn là A321 và B737. Đây cũng chính là lý do đường đường băng ngày càng xuống cấp nhanh.
Mới đây, thị sát dự án này Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Ban QLDA các công trình trọng điểm Khánh Hòa cần xây dựng ngay các giải pháp khắc phục chậm tiến độ dự án xây dựng đường băng thứ 2. Phía UBND tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Nhật cũng đề nghị bố trí nguồn vốn nhằm đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án.



Chuẩn bị khởi công nhà ga hành khách quốc tế
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng mở rộng CHK quốc tế Cam Ranh, một dự án quan trọng khác đang được triển khai tại đây là đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách CHK quốc tế với tổng vốn đầu tư gần 3.400 tỷ đồng.
Thực tế, là một trong những CHK quốc tế lớn tại Việt Nam, những năm qua, sản lượng hành khách vận chuyển đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Sau hơn 7 năm khai thác, nhà ga hành khách hiện tại tại CHK quốc tế Cam Ranh đã bắt đầu quá tải, đặc biệt là phần nhà ga hành khách đang được dùng để đón khách quốc tế.
Nếu như năm 2004, Cam Ranh mới đón chuyến bay dân sự đầu tiên, đến năm 2007, lượng hành khách thông qua cảng đã hơn 501 nghìn khách, xếp thứ 5 về sản lượng hành khách trong hệ thống 22 CHK của Việt Nam. Sang năm 2014, con số này đã đạt hơn 2,1 triệu khách. Đáng nói hơn, nhà ga hành khách hiện tại của Cam Ranh có công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm. Điều này có nghĩa là nhà ga này đã quá tải gần 30% so với công suất thiết kế từ năm 2014.
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành từng nói vụ hành khách Trung Quốc gây rối ở CHK quốc tế Cam Ranh vừa qua một phần có nguyên nhân nhà ga chật chội gây bức xúc khi hàng nghìn người dồn vào khoảng không chật hẹp.
Theo chủ đầu tư dự án, Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh do liên danh tư vấn CPG - PAE (Singapore) thiết kế. Dự án sẽ xây dựng 2 cao trình đi/đến; 80 quầy làm thủ tục; 10 cửa ra tàu bay; 6 bộ băng chuyền hành lý; hệ thống sân đỗ xe ô tô, đường giao thông ra vào ga đồng bộ… phục vụ khoảng 4 triệu lượt hành khách/năm; có thể nâng công suất 8 triệu lượt khách/năm. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8 với tổng thời gian thi công khoảng 16 tháng.
Đánh giá về hai dự án đang được triển khai tại CHK quốc tế Cam Ranh, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà ga mới và đường hạ cất cánh thứ hai sẽ giúp CHK quốc tế Cam Ranh trở thành cửa ngõ quốc tế mới của Việt Nam, hình thành một căn cứ (hub) cho các hãng hàng không nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Nguồn: baogiaothong.vn