Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không tại Pleiku

Thứ Hai, 13/06/2016 - 00:26 GMT+7

Ngày 10-6, tại khu vực rừng thông thuộc xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng năm 2016 (SAREX 2016).

Tham dự SAREX 2016 có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 250 người và hơn 40 phương tiện đến từ các đơn vị như Cục HKVN, Cảng Hàng không Pleiku, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku, bệnh viện đa khoa tỉnh…
Đây là cuộc diễn tập thực hành việc phối hợp giữa các ban ngành liên quan trong công tác TKCN máy bay HKDD theo Quy chế phối hợp TKCN HKDD theo Quyết định 33/2012/QĐ-TTg.


Xe cứu hỏa hàng không, xe cứu hỏa cảnh sát PCCC cùng tiếp cận tàu bay DT2016

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo SAREX 2016 Đỗ Quang Việt cho biết: Tình huống giả định đặt ra là chuyến bay DT2016, loại tàu bay Airbus A321 của hãng hàng không DT, cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 08h03 (giờ địa phương) đi sân bay Pleiku.
Khi tàu bay trên đường bay W1, cách Pleiku 60km/06 phút bay, lúc 08h31, tổ lái thông báo cho Trung tâm kiểm soát không lưu Tp.HCM (ACC Hồ Chí Minh) tàu bay bị trục trặc động cơ số 1 và yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Pleiku.
Lúc 08h31 ACC Hồ Chí Minh nhận thấy tàu bay DT2016 bật mã số khẩn nguy 7700 và đã thông báo ưu tiên hạ cánh cho DT2016 và hiệp đồng thông báo với Đài kiểm soát không lưu Pleiku. Sau khi tổ lái báo nhận thông tin khí tượng thuỷ văn, Đài kiểm soát không lưu Pleiku bất ngờ không thể liên lạc được với tàu bay. Hoạt động cứu nạn gấp rút triển khai ngay sau đó. 


Xe cứu hỏa hàng không, xe cứu hỏa cảnh sát PCCC cùng tiếp cận tàu bay DT2016; triển khai đội hình tiến hành bơm nước (phun nước lên cao không phun vào đám cháy để tạo cảnh quan), dập khói, lửa, làm giảm nhiệt, chống nổ; Chỉ huy cứu hỏa báo cáo tình hình cho BCH…)
Ở vòng ngoài, lực lượng an ninh hàng không, công an, quân đội đồng thời, nhanh chóng đến hiện trường tàu bay bị nạn, triển khai đội hình thiết lập vành đai trong cách tàu bay 50m-100 m, vành đai ngoài cách tàu bay 100m-200m để phong tỏa và bảo vệ hiện trường không cho người không có nhiệm vụ xâm nhập tạo điều kiện cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
Khi công tác cứu hỏa, phòng chống cháy nổ đã đảm bảo an toàn, lực lượng cứu hộ được trang bị quần áo chống cháy, mặt nạ phòng độc, bình ôxy và các dụng cụ chuyên dụng tiếp cận tàu bay, cưa cắt thân vỏ tàu bay, đưa người bị nạn, hành lý ra khỏi tàu bay.
Theo sau lực lượng cứu hỏa, lực lượng cứu thương sẵn sàng cấp cứu và vận chuyển nạn nhân tới vị trí tập kết nơi có lều y tế cứu thương triển khai lực lượng chuẩn bị công tác sơ cấp cứu, phân loại hành khách, nhận dạng nạn nhân, chuyển đi bệnh viện theo thứ tự ưu tiên, được các xe mô tô của Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Pleiku dẫn đường.



Sau khi chuyển hết toàn bộ hành khách bị nạn ra khỏi tàu bay, lực lượng cứu hộ tiến hành vận chuyển hàng hóa, hành lý của hành khách bị nạn ra khỏi tàu bay chuyển về khu vực tập kết. Xe chở hàng hóa, hành lý của Cảng hàng không Pleiku vận chuyển toàn bộ hàng hóa, hành lý tại khu vực tập kết chở về Cảng. Lực lượng cứu nạn chuyển các nạn nhân ra ngoài cho lực lượng y tế xử lý và Cảnh sát Kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh Gia Lai tiến hành các biện pháp nhận dạng nạn nhân và vận chuyển đi bệnh viện sau cùng.


Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo tại SAREX 2016

Phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Đây là cuộc diễn tập toàn diện gồm 2 giai đoạn vận hành cơ chế và diễn tập thực binh, nhằm mục đích rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn trong khu vực lân cận sân bay Pleiku và xử lý, nhận dạng nạn nhân giả định bị tai nạn tàu bay; Kiểm tra năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và điều hành; triển khai thực hiện công tác cứu nạn hàng không và xử lý, nhận dạng nạn nhân đồng thời rà soát, hoàn thiện phương án về công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không tại khu vực lân cận sân bay.


Thứ trưởng Nguyễn Nhật trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc tham gia SAREX 2016

Cuộc diễn tập cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, đơn vị, người dân biết được thực tế của hoạt động tìm kiếm cứu nạn và trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng không đồng thời giới thiệu và chứng minh với Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), hàng không dân dụng các nước và các nhà khai thác tàu bay về khả năng bảo đảm dịch vụ tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
Việt Nam với lợi thế nằm trên trục giao thông hàng không Đông - Tây và Bắc - Nam, là những trục giao thông quan trọng và đông đúc nhất trên thế giới. Những năm qua ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Việt Nam đang quản lý và khai thác hai vùng thông báo bay (FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh) có tổng diện tích khoảng 1,2 triệu km2, trung bình hàng ngày có hoạt động của gầng 2.000 chuyến bay đi đến và bay quá cảnh.


Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh trao Giấy khen cho các tập thể tham gia diễn tập

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các hoạt động bay này trên một diện tích vùng trời rộng lớn, bên cạnh việc tăng cường các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như dịch vụ không lưu, khí tượng, thông tin - dẫn đường - giám sát… thì việc không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không cũng là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương hết sức quan tâm, đầu tư nhằm thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng hàng không trong nước và quốc tế cũng như với tất cả các khách hàng của ngành Hàng không về một môi trường đảm bảo an toàn và chất lượng cao cho hoạt động bay.
Bảo Anh