Ngành Hàng không với nỗ lực xây dựng kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải khí CO2

Thứ Năm, 19/05/2016 - 13:47 GMT+7

Ngày 12/5/2016, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam.



Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Vụ Môi trường và Cục Hàng không Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế tại Việt Nam (IATA), các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam… 
Đây là một trong những hoạt động quan trọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua Dự án ”Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” (CIGG) được UNDP và USAID tài trợ.
“Ngành hàng không Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đồng thời tham gia vào việc đảm bảo an ninh, quốc phòng. Với xu thế phát triển nhanh của ngành hàng không, mức độ phát thải khí CO2 sẽ ngày càng gia tăng. Trong nhiều thập kỷ qua, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm phát thải khí CO2 từ hoạt động hàng không vào khí quyển, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp dựa vào thị trường. Hạn chế khí thải, nhằm tạo ra một chương trình hành động thống nhất với các quốc gia thành viên của ICAO, ngành hàng không Việt Nam hưởng ứng và thực hiện các giải pháp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu” - Đó là nội dung phát biểu khai mạc của ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tại buổi hội thảo.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho biết “Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động về giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không. Sau hơn một năm thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án CIGG, dự thảo Kế hoạch hành động đã được hoàn thiện và lấy ý kiến trong nội bộ Cục Hàng không. Tại hội thảo này, bản dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu để đảm bảo Kế hoạch hành động mang tính khả thi, phù hợp với các yêu cầu của ICAO trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt thực hiện”.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe ông David White, Chuyên gia của ICAO trình bày Hướng dẫn của ICAO về xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không với một số nội dung như các ưu tiên thực hiện của ICAO để giải quyết các vấn đề môi trường, những điểm chính trong Nghị quyết A38-18 của Đại hội đồng ICAO với các giải pháp dựa vào thị trường. Trao đổi trực tuyến từ Indonesia, ông Cesar Velarde, Chuyên gia cao cấp về hàng không và môi trường của ICAO đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về hàng không xanh của Indonesia để các đại biểu Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đại diện Nhóm tư vấn, ông Tô Đình Dũng đã trình bày báo cáo về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải CO2 trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm các nội dung chính như: Hiện trạng phát thải khí CO2 của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, dự báo phát thải khí CO2 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các giải pháp giảm phát thải khí CO2 giai đoạn 2016-2018 và đến 2030. 
Phát biểu tại hội thảo, ông Barkhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Việc ngành hàng không Việt Nam đầu tư thực hiện các hoạt động góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu là đầu tư vào cơ hội kinh doanh thực sự. Việc giảm phát thải khí CO2 liên quan trực tiếp đến việc giảm sử dụng nhiên liệu - chi phí căn bản của mọi hãng hàng không và điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của ngành. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong vận hành sân bay giảm chi phí dài hạn, thúc đẩy sáng tạo công nghệ, và bằng chứng đã cho thấy, cải thiện sự hài lòng của khách hàng”. Ông cũng cho rằng việc thực hiện các giải pháp cần thiết sẽ mang lại những nguồn tài chính mới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 đặc biệt là các cơ chế bù đắp các-bon có thể giúp nhân rộng đầu tư vào quản lý rừng bền vững ở Việt Nam thông qua hấp thụ các-bon. 
Ông Christopher Abram, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển Xã hội của USAID tại Việt Nam cũng đồng tình với ông Burkhanov và cho biết: “Kế hoạch hành động xanh hoá ngành hàng không là cơ hội để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và nhiên liệu nhằm giảm chi phí, đồng thời duy trì sự phát triển nhanh và lành mạnh của ngành hàng không. Các nội dung đang được thảo luận tại hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với ngành hàng không Việt Nam mà còn đối với nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu trên toàn cầu”.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp hoàn thiện nội dung của bản dự thảo Kế hoạch hành động như:
Cần có quy hoạch và quản lý quy hoạch các sân bay để giúp khai thác hiệu quả các đường bay, sắp xếp hợp lý vị trí của từng doanh nghiệp hàng không.
Nghiên cứu phương án dán tem cho phương tiện vận chuyển phục vụ các hoạt động của ngành hàng không, thiết kế hạ tầng sân bay xanh như mô hình của Singapore.
Sử dụng hiệu quả nhiên liệu sinh học, Bộ GTVT cần có cơ chế cho phép sử dụng phương tiện xe điện phục vụ trong các cảng hàng không.
Cần làm rõ cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp ưu tiên, đưa ra chi phí sơ bộ cho từng giải pháp để các hãng hàng không tham khảo từ đó có thể lựa chọn giải pháp phù hợp cũng như đặt ra những yêu cầu để quốc tế hỗ trợ.
Cần xây dựng hệ thống Kiểm kê khí thải MRV (Đo đạc – Báo cáo – Kiểm định khí thải của ngành hàng không).
Cần xây dựng các chương trình hợp tác để các hãng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải như hạn chế sử dụng động cơ phụ, hạ tầng phải đủ đáp ứng, và đặc biệt cần có sự quan tâm và chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo ngành hàng không.



Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội thảo và cho biết Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong các hoạt động của hàng không dân dụng Việt Nam, đồng thời cảm ơn các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến quý báu cho bản dự thảo Kế hoạch hành động. Kết quả của buổi hội thảo này sẽ góp phần vào việc hoàn thiện bản dự thảo Kế hoạch hành động cũng như thực hiện các giải pháp giảm CO2 một cách hiệu quả và khả thi.
Trước khi diễn ra buổi hội thảo, từ ngày 9 đến ngày 11/5/2016, ông David White, Chuyên gia của ICAO phối hợp với Nhóm chuyên gia tư vấn trong nước đã tiến hành khoá đào tạo về “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam” cho các học viên là các cán bộ của Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam, đại diện các cảng hàng không và các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, VASCO, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, …để giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn các hoạt động của ngành không, sử dụng nhiên liệu và năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác hàng không cũng như điều hành bay, giảm phát thải khí CO2...góp phần hoàn thiện nội dung bản Kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu về kỹ thuật của ICAO.
Vũ Thanh Tùng