Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ trong dịp lễ 30/4-1/5

Thứ Ba, 26/04/2016 - 13:36 GMT+7

Ngày 25/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã ký ban hành Chỉ thị 1603/CT-CHK về việc triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ trong dịp nghỉ lễ Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.



Năm 2016, thời gian nghỉ lễ Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 kéo dài trong 4 ngày (từ thứ bảy 30/4 đến thứ ba 2/5 năm 2016). Nhằm góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ của ngành Hàng không Việt Nam trong thời gian nghỉ lễ;  Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung công việc. 
Đối với các hãng hàng không, phải xây dựng kế hoạch, phương án vận chuyển hành khách trong thời gian nghỉ lễ, tập trung nguồn lực, đảm bảo đáp ứng đến mức cao nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trên các đường bay nội địa. Kiểm tra, rà soát các quy định, quy trình bán vé, đặt chỗ; kiểm soát các kênh phân phối và có các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong việc bán vé, đặt giữ chỗ, bảo đảm việc bán vé, đặt chỗ được công khai, minh bạch đặc biệt là việc bán vé giờ chót  để hành khách nắm bắt thông tin và mua vé, hạn chế bị các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý khách hàng cần đi gấp để lừa đảo, bán vé giá cao trục lợi bất chính, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hạn chế hoặc không mở bán quá chỗ (overbook) trên các đường bay nội địa có nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp này.
Các hãng hàng không phải có các giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay, lưu ý việc bố trí tàu bay, khí tài vật tư dự phòng; Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình phục vụ hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay.



Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tại cảng hàng không xử lý kịp thời không để xảy ra hiện tượng gây rối trật tự an ninh tại các cảng hàng không, sân bay. Chuẩn bị tốt tàu bay, tổ bay theo quy chế chuyên cơ, sẵn sàng phục vụ các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Chỉ đạo các Văn phòng đại diện hàng không, Phòng bán vé máy bay tăng cường kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách; bộ phận làm thủ tục vận chuyển tăng cường kiểm tra các kho hàng và đại lý trước khi nhận hàng hóa để chuyên chở.
Ngoài ra, các hãng hàng không rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực (nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay. Duy trì áp dụng hiệu quả chương trình quản lý an toàn liên quan đến yếu tố thời tiết, lập kế hoạch bay, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của tổ bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay nhằm giảm thiểu các sai lỗi do con người gây ra trong quá trình khai thác, bảo dưỡng tàu bay. Căn cứ vào tình trạng hạ tầng của các cảng hàng không sân bay, các hãng hàng không rà soát lại thời gian quay vòng của tàu bay nhằm giảm thiểu số chuyến bay đến muộn.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), căn cứ kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không, trên cơ sở nguồn lực tại các cảng hàng không sân bay, xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách, tàu bay trong giai đoạn cao điểm.  
Bên cạnh đó, ACV phải rà soát việc bố trí, sắp xếp trang thiết bị và nhân lực trong khu vực nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ … đảm bảo tiếp thu tối đa các chuyến bay an toàn, phục vụ hành khách chu đáo, văn minh lịch sự; tăng cường công tác kiểm tra an toàn khu bay, đặc biệt là đường cất hạ cánh. Rà soát việc bố trí mặt bằng trong nhà ga nhằm tăng tối đa diện tích phục vụ dây chuyền vận chuyển hàng không, đáp ứng nhu cầu khai thác tăng cao trong giai đoạn cao điểm. Bố trí nhân sự có chuyên môn tốt, có thẩm quyền trực trong dịp nghỉ lễ để kịp thời triển khai, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc. 
Ngoài ra, ACV phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch vụ taxi không để tình trạng taxi dù vào đón khách tại cảng hàng không, sân bay; không để lái xe taxi lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá bất hợp lý. Chỉ đạo tăng cường công tác an ninh đối với các cảng hàng không, sân bay địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn lập kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động hàng không. Tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm tra, soi chiếu, bảo đảm an ninh cho chuyến bay, hành khách; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ tại khu vực cảng hàng không, sân bay trong giai đoạn cao điểm.



ACV nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam tại văn bản số 3798/HD-CHK ngày 30 tháng 07 năm 2015 về việc hướng dẫn các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay. Tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ khu bay; kiểm tra chặt chẽ việc ra/vào khu vực hạn chế đối với người, phương tiện; việc đi lại trong khu bay phải theo đúng luồng, tuyến, tốc độ quy định. Tất cả các cổng, cửa ra/vào nhà ga, sân bay phải có nhân viên an ninh hàng không thường xuyên giám sát; mọi hành khách, thành viên tổ bay, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện và các đồ vật đưa vào khu vực hạn chế và lên tầu bay phải qua kiểm tra an ninh.
ACV cần tăng cường giám sát đường băng, sân đỗ phát hiện kịp thời các vật ngoại lai, nhằm tránh các hỏng hóc liên quan đến hệ thống động cơ tàu bay và cắt lốp tàu bay. Tăng cường giám sát công tác phục vụ hành khách đảm bảo việc phục vụ tuân thủ đúng quy trình, quy định và an toàn của chuyến bay. Phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng không trong việc xử lý các trường hợp vi phạm an ninh trật tự tại cảng hàng không, sân bay.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị thành viên rà soát, kiểm tra dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay và tổ chức, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường và đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về cung cấp dịch vụ điều hành bay. Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tuyệt đối tuân thủ Tài liệu hướng dẫn khai thác của cơ sở điều hành bay đã được phê duyệt; đảm bảo quân số trực, tăng cường các vị trí giám sát tại các vị trí điều hành bay, đảm bảo dự phòng về trang thiết bị, sẵn sàng các phương án ứng phó trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp với lưu lượng bay tăng cao.



Căn cứ kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không, VATM xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ (bao gồm nhân lực, trang thiết bị) nhằm bảo đảm tiếp thu tối đa, an toàn các chuyến bay trong các giai đoạn cao điểm. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác an ninh trong hoạt động điều hành bay; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra canh gác đảm bảo an ninh trật tự khu vực các đài, trạm chỉ huy điều hành bay.
VATM phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan liên quan bảo đảm công tác giám sát, điều hành tốt các chuyến bay.
Đối với các Cảng vụ hàng không khu vực, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu giám sát, phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội, Hải quan, người khai thác cảng hàng không sân bay, người khai thác tàu bay và các đơn vị liên quan trên địa bàn cảng hàng không trong việc lập kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động hàng không, xây dựng kế hoạch, phương án phục vụ hành khách trong các giai đoạn cao điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm khả năng phục vụ cao nhất cho các chuyến bay, hành khách trong thời gian cao điểm. Chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn bảo đảm hoạt động bay (đảm bảo không ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay); kịp thời phát hiện các sự việc, sự cố uy hiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bảo đảm hoạt động bay và báo cáo, đề xuất phương án xử lý.



ác cảng vụ hàng không duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam tại văn bản số 3798/HD-CHK ngày 30 tháng 07 năm 2015 về việc hướng dẫn các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 để bảo đảm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay. Chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho các chuyến bay trong thời gian cao điểm; ngăn chặn kịp thời hiện tượng đưa các vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành quy định về an ninh trật tự tại nhà ga, các khu vực khác thuộc cảng hàng không chuyên dụng, đặc biệt là chống việc đi lại qua đường cất hạ cánh, đường lăn của sân bay.
Đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không, phải chấp hành nghiêm việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cấm mang vũ khí ra ngoài cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban nghiệp vụ; khi có sự vụ, vụ việc xảy ra, người chỉ huy và trực ban phải giải quyết kịp thời trong phạm vi trách nhiệm và báo cáo ngay lên cấp trên. Ngoài ra, nghiêm túc triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện văn hóa ứng xử với hành khách, người dân sử dụng dịch vụ theo phương châm “4 xin” và  “4 luôn”.
B.A