Nhớ mãi về anh Phạm Quý Tiêu

Thứ Tư, 24/02/2016 - 21:37 GMT+7

Tôi vào bệnh viện thăm anh buổi chiều ngày 29 tháng Chạp, thời khắc sắp bước sang năm mới Bính Thân 2016. Anh nằm trên giường bệnh, sức khỏe rất yếu. Những cử chỉ giao lưu qua tiếng “ờ” khó nhọc hoặc nắm tay bóp nhẹ đã trở nên rất hiếm hoi. Dù vậy tôi vẫn cầu mong mọi sự tốt lành đến với anh.

Sang những ngày đầu năm, khi vào thăm anh, anh nằm yên lặng, bình thản. Chị Khánh vợ anh bảo: “Anh chú đi du xuân rồi”. Gần trưa ngày mùng 7 Tết, anh thanh thản ra đi tại nhà riêng giữa vợ con và những người thân của mình. Tin buồn đến với anh chị em cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành Hàng không rất nhanh. Dù biết điều không mong muốn đó sẽ xảy ra, nhưng thâm tâm chúng tôi vẫn mong cái ngày đó sẽ đến chậm hơn, lâu hơn, chứ không phải ngày hôm ấy. Dầu sao cũng an ủi rằng, mệnh anh đã hết ở tuổi tròn 60, anh đã được hưởng trọn vẹn cái Tết Bính Thân và ra đi vĩnh viễn khi cây Nêu đã được hạ theo phong tục cổ truyền.


Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu thông tin trước báo giới về việc triển khai tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích (Ảnh chụp ngày 11/3/2014)

Tôi có vinh dự được làm việc, công tác và gắn bó cùng anh hơn 20 năm từ khi anh công tác tại Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, Cụm Cảng Hàng không Miền Bắc. Những ngày được cùng anh công tác trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đặc biệt là khoảng thời gian 12 năm trực tiếp được anh quan tâm, chỉ đạo, dìu dắt, dấu ấn của anh đối với cá nhân tôi mãi mãi không bao giờ quên.
Cuộc đời hoạt động sôi nổi của anh bắt đầu từ tháng 4/1975 khi anh xung phong nhập ngũ, là chiến sỹ Trung đoàn 927, sư đoàn 371, Quân chủng Không quân - nay là Quân chủng Phòng không - Không quân. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (mẹ anh là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gấm, hai anh trai của anh đều là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước), anh hoàn toàn có thể lựa chọn một con đường khác chứ không nhất thiết phải nhập ngũ vì gia đình đã có hai người anh là liệt sỹ. Càng thêm cảm phục anh, một người con của quê hương 5 tấn anh hùng, khi chúng tôi được nghe những hồi tưởng đầy xúc động về anh của Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát: “Trước mặt tôi là một chiến sỹ cao, gầy. Tôi hỏi người chiến sỹ ấy lý do nhập ngũ, em nhìn tôi bằng ánh mắt đầy niềm tin và sự rắn rỏi, báo cáo với tôi rằng, em nhập ngũ để giết giặc trả thù cho hai anh trai là liệt sỹ. Tôi vỗ vào đôi vai rắn rỏi của em. Chúng tôi quen nhau từ ngày đó, tôi thân với em thậm chí còn hơn cả anh em ruột thịt...”.
Vào đầu thập niên 1990, khi ngành Hàng không dân dụng Việt Nam chuyển ngành tại chỗ, anh chuyển ngành với quân hàm Đại úy. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu Trường Hàng không Liên Xô (cũ) về nước, anh được phân công làm đội phó, đội trưởng đội vé máy bay, phó phòng vận chuyển Sân bay quốc tế Nội Bài (tháng 9/1990); Giám đốc Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài (tháng 6/1993). Ngày 14/1/1999, anh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Cụm Cảng Hàng không Miền Bắc; Phó Cục trưởng Cục HKVN kiêm Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không miền Bắc (tháng 10/2004); Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (tháng 6/2007); Thứ trưởng Bộ GTVT (tháng 3/2009).
Cả cuộc đời sự nghiệp của anh gắn bó với Quân đội và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Sự phát triển vượt bậc của ngành từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay đều có những đóng góp công sức to lớn của anh. Anh đã ghi dấu ấn của mình từ công trình Nhà ga T1 Nội Bài cho đến những công trình hiện đại ngày hôm nay trong lĩnh vực cảng hàng không, sân bay, quản lý bay; những tham mưu chiến lược cho Chính phủ, Bộ GTVT về phát triển vận tải hàng không, về vị trí, vai trò của ngành Hàng không trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cho đến tận cuối đời, chất lính trong anh vẫn luôn đậm đặc và tỏa sáng, chi phối tâm tư, suy nghĩ và hành động. Chất lính nghĩa tình ấy chúng tôi được chứng kiến qua biết bao sự trìu mến của những người chú, người anh, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội dành cho anh với tên gọi thân thương “Bảy Tiêu”. Tình bạn của anh với đồng đội, bạn bè từ lúc làm chiến sỹ đến lúc trở thành cán bộ cấp cao vẫn luôn nguyên vẹn, thắm thiết. Trong công việc cũng như trong cuộc sống anh luôn quyết liệt, thậm chí nóng nảy nhưng trong lòng lại tràn đầy bao dung. Anh luôn trăn trở, nhiệt huyết và biết động viên, khích lệ, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ phát huy trách nhiệm, trí tuệ, năng lực, sự đoàn kết, nhất trí vì sự nghiệp chung. Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống của ngành, anh nằm trên giường bệnh. Các thủ trưởng, đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp ai cũng nhắc anh. Vào viện báo cáo anh mà thật nghẹn ngào, miệng anh cười mà nước mắt rơi. Lúc nghẹn lời, em gái anh bảo nhỏ tôi: “Anh nói chuyện nữa đi, lâu lắm rồi mới thấy anh ấy cười tươi như thế”.
Những ai đến thăm Bảo tàng Hàng không Việt Nam tại đường Nguyễn Sơn, TP Hà Nội ngày hôm nay đều có ấn tượng tốt đẹp về một công trình văn hóa, nơi lưu giữ nhiều hiện vật hết sức giá trị, quý báu của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam kể từ ngày đầu tiên thành lập. Đây cũng là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần và cộng đồng hết sức gắn bó, thân thương của toàn ngành. Ngày hôm nay anh đã trở thành một phần của công trình ấy, dõi theo đồng đội.
Vẫn biết anh lâm trọng bệnh nhưng chúng tôi không ngờ ngày chia tay anh lại nhanh đến thế. Công lao của anh đối với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam là rất lớn. Anh đã ra đi, nhưng vẫn còn lại ở đây, trong tấm lòng của mỗi chúng tôi hình ảnh của một con người trong sáng thủy chung, một người lãnh đạo tâm huyết, luôn quan tâm tới sự phát triển của ngành, quan tâm đến sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ kế cận, một người chiến sỹ đã tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang “Dũng cảm, mưu lược, sáng tạo” của anh Bộ đội Cụ Hồ. Tấm ảnh của anh sẽ mãi nằm trang trọng tại Bảo tàng Hàng không Việt Nam để các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức lao động toàn ngành hôm nay và mai sau tưởng nhớ và học tập.
Xin có một vài dòng tâm sự và coi đây như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ anh - người Anh, người Thủ trưởng yêu quý của tôi.
Hà Nội, ngày 17/2/2016
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh