Từng đơn vị phải nỗ lực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Hàng không Việt Nam

Thứ Sáu, 04/12/2015 - 13:42 GMT+7

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với các cơ quan, đơn vị liên quan tại cuộc họp giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet tại Văn bản số 38-15/VJC-BGĐ vào sáng 4/12.


Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về đề xuất, kiến nghị của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet

Thứ trưởng Nguyễn Nhật; lãnh đạo các Vụ tham mưu; Cục Hàng không Việt Nam (HKVN); Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), Tổng công ty Hàng không VN, Tổng công ty Quản lý bay VN cùng dự họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Trong 11 tháng đầu năm 2015, VietJet Air vận chuyển trên 8 triệu lượt hàng khách và khoảng 43 nghìn tấn hàng hóa. Số tàu bay đến thời điểm hiện tại là 29 tàu bày. VietJet Air đã thực hiện trên 50 nghìn chuyến bay an toàn. Tỷ lệ bay đúng giờ là 81,2%.
“Để có được kết quả bước đầu này là nhờ sự cải cách mạnh mẽ về chính sách, những quyết sách khẩn trương của Bộ GTVT, Cục HKVN cũng như sự phối hợp của ACV và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong Ngành GTVT…”, bà Thảo nhấn mạnh.
Theo bà Thảo, Công ty có nhu cầu ở hầu hết các sân bay. Trên cơ sở đó, VietJet Air đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến các nội dung về cho thuê sảnh E, nhà gà T1 Nội Bài; sân đỗ tàu bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; bố trí thêm quầy thủ tục; trang bị thêm máy soi chiếu; đề xuất về quản lý hoạt động bay….
Các đơn vị dự họp cũng có nhiều ý kiến trao đổi về các vấn đề nói trên.


Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, cuối tháng 12/2015, ACV có báo cáo về Đề án cho thuê sảnh E, nhà ga T1 - CHKQT Nội Bài

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Cuộc họp hôm nay để giải quyết đề xuất, kiến nghị của VietJet Air nhưng không phải chỉ giải quyết các vấn đề của một đơn vị, mà chúng ta phải nghĩ sự phát triển lâu dài của thị trường hàng không, các doanh nghiệp hàng không. Từ vấn đề cụ thể chúng ta phải giải quyết các vấn đề lâu dài để sự phát triển của hàng không góp phần vào sự phát triển chung của Ngành GTVT và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trong bối cảnh  Việt Nam đang hội nhập nhanh vào quốc tế.
“Chúng ta cần xác định Hàng không Việt Nam bao gồm cả quản lý nhà nước, quản lý bay, các cảng hàng không, các hãng hàng không và các cơ quan đơn vị liên quan. Đây là thương hiệu chung của quốc gia. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phối hợp có hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy hàng không phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và giá cả cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Dư địa để các đơn vị phối hợp với nhau còn nhiều, cần được đẩy lên hơn nữa. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường hàng không trong thời gian sắp tới thì sự đoàn kết, nhất trí để phát triển là vấn đề sống còn. Cục HKVN, các cơ quan chức năng của Bộ cần phải xắn tay vào để nghiên cứu, tìm giải pháp, gỡ khó cho doanh nghiệp, phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước mà trước hết là vai trò của các cảng vụ”, Bộ trưởng nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có chỉ đạo cụ thể đối với từng đề xuất, kiến nghị của VietJet Air. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu cuối tháng 12/2015, ACV phải có báo cáo về Đề án cho thuê sảnh E, nhà ga T1 Nội Bài và cuối tháng 3 sang năm phải hoàn thiện Đề án này; Cục HKVN ra soát hệ thống máy soi chiếu để xem xét có cần bổ sung hay không; ACV tạo điều kiện cho VietJet Air như các hãng hàng không khác đối với vấn đề quầy thủ tục…Trên có sở đó, Bộ trưởng giao cho Cục HKVN là cơ quan đầu mối đôn đốc, xử lý các nội dung công việc theo từng mốc thời gian đã đưa ra trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Nhật.
“Bản thân từng đơn vị phải nỗ lực cố gắng, tự vươn lên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực của mình để góp phần chung nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng không Việt Nam với hàng không các nước trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo ACV trong việc thực hiện cổ phần hóa. Đây là đơn vị lớn nhất nhưng cũng thực hiện nhanh nhất.  Nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn làm cổ đông chiến lược của ACV. Điều này cho thấy được sức hút không chỉ thuần túy là mỗi ACV mà còn bao gồm các doanh nghiệp hàng không và tiềm năng phát triển của thị trường hàng không nước ta. Bên cạnh đó, ACV đã có chia sẻ gánh vác với các hãng hàng không trong những lúc khó khăn.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị Cục HKVN và Vụ KHĐT sớm hoàn chỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh các cảng hàng không, sân bay để làm căn cứ triển khai thực hiện; Tổng công ty Quản lý bay tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ những phải đảm bảo tuyệt đối an toàn bay. 
Nguồn: mt.gov.vn