Ngành hàng không quyết ngăn sai phạm

Thứ Sáu, 03/07/2015 - 19:17 GMT+7

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố 81 số điện thoại đường dây nóng của tất cả hãng hàng không, sân bay trên cả nước với kỳ vọng nắm bắt thông tin phản ánh của hành khách kịp thời, quản lý tốt hơn.

alt image
Đường dây nóng được công bố tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 
Gọi để được xử lý ngay
Một doanh nhân thường xuyên đi công tác bằng máy bay của Vietnam Airlines kể lại hôm 29-6, ông đặt chuyến bay từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về Hà Nội lúc 16 giờ 55 phút nhưng máy bay chậm 3 giờ. Do việc gấp, ông đổi sang chuyến bay khác, giờ cất cánh ghi trên vé là 15 giờ 30 phút nhưng phải đến 16 giờ cùng ngày mới bay.
“Về đến Hà Nội, máy bay lại hạ cánh ở sảnh quốc tế (?), sau đó xe buýt mới đưa về sảnh quốc nội để nhận hành lý. Bức xúc về chậm chuyến, hạ cánh sai vị trí nhưng tôi và nhiều hành khách không biết phán ánh đến đâu” - vị doanh nhân nêu thực trạng.
Anh Nguyễn Văn Duy (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết cách đây không lâu, cha anh bệnh nặng rồi mất ở Hà Nội nên gia đình phải thường xuyên đi về bằng máy bay. Nhiều lần máy bay chậm cả giờ mà không được thông báo, cũng không nghe nhân viên xin lỗi.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với việc công bố 81 số điện thoại đường dây nóng của các sân bay, hãng hàng không, hành khách đi máy bay, sử dụng dịch vụ tại các nhà ga sân bay khi gặp sự cố, bức xúc về thái độ nhân viên hoặc phát hiện có hành vi tiêu cực có thể phản ánh trực tiếp với đơn vị khai thác, cung cấp dịch vụ để được xử lý.
Cụ thể, có một số điện thoại của Cục Hàng không Việt Nam và 21 số điện thoại của các cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam như Nội Bài (Hà Nội), Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Tân Sơn Nhất ( TP HCM), Cần Thơ, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng thiết lập 22 đường dây nóng ở các cảng. Trong khi đó, Vietnam Airlines có 4 đường dây nóng tại trung tâm điều hành khai thác, trung tâm khai thác Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất cùng với 14 đường dây nóng của Jetstar Pacific, 12 đường dây nóng của VietJet và 7 đường dây nóng của VASCO.
Hiệu quả đến đâu?
Trước đây, đường dây nóng chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ để phục vụ các trường hợp khẩn nguy hoặc điều phối giữa các bộ phận tại các cảng hàng không. Đến tháng 1-2014, sau hàng loạt phản ánh, bức xúc của hành khách về giá dịch vụ ăn uống ở sân bay; rồi chăm sóc, bồi thường cho hành khách bị hoãn, hủy chuyến, ngành hàng không bắt đầu lập đường dây nóng ở Cục Hàng không Việt Nam và các cảng vụ. Không cung cấp con số thống kê các cuộc gọi đến đường dây nóng của cục nhưng một đại diện Cục Hàng không xác nhận nhiều cuộc gọi của hành khách đến chỉ để hỏi thông tin về chuyến bay, nhờ hướng dẫn và mang tính chất “tổng đài hỗ trợ” chứ không hẳn là bức xúc, phản ánh tiêu cực...
“Nay, với hệ thống số đường dây nóng ở tất cả hãng hàng không, sân bay, hành khách nếu có than phiền về giá ăn uống quá cao, mất hành lý, chậm hủy chuyến... nên gọi trực tiếp cho đơn vị cung cấp (hãng hàng không) hoặc đơn vị quản lý trực tiếp tại các sân bay (cảng vụ) sẽ được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng” - một đại diện Cục Hàng không Việt Nam quả quyết.
Dưới góc nhìn của một hành khách thường di chuyển bằng máy bay, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là tín hiệu tốt thể hiện tính cầu thị của ngành hàng không. “Quan trọng là sau khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đơn vị quản lý đường dây nóng xử lý như thế nào, có công khai để giải quyết hiệu quả không?” - ông Doanh đặt vấn đề.
Phó tổng giám đốc một hãng hàng không nhìn nhận việc lập đường dây nóng không mới, thực tế ngay một quán ăn, cửa hàng nhỏ cũng có số điện thoại nóng để khách hàng phản ánh khi cần. Vấn đề là khi tất cả các bên cùng vào cuộc, xem đây như một kênh để nắm bắt thông tin, phục vụ cho việc quản lý tốt hơn thì mới hiệu quả.
Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hành khách có thể phản ánh qua đường dây nóng để ngành hàng không nắm bắt kịp thời và xử lý vì đôi lúc cơ quan quản lý không thể bao quát hết được. Nhiều sự việc, bản thân cục cũng không có thông tin cho đến khi báo chí phản ánh. “Đây là kênh để ngành hàng không tiếp nhận ý kiến, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ” - ông Cường nói.
Nguồn: nld.com.vn