Hàng không Việt Nam thắt chặt an ninh, an toàn bay

Thứ Ba, 22/07/2014 - 22:53 GMT+7

 Liên tiếp các vụ việc liên quan đến an toàn, an ninh hàng không xảy ra gần đây đã buộc Hàng không Việt Nam phải thắt chặt an ninh, thay đổi đường bay, tránh vùng chiến sự nhằm bảo đảm an toàn chuyến bay; thực hiện cung cấp thông tin trước về hành khách đối với các chuyến bay quốc tế… Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng không Việt Nam trong thời gian tới.

Liên tiếp các vụ việc liên quan đến an toàn, an ninh hàng không xảy ra gần đây đã buộc Hàng không Việt Nam phải thắt chặt an ninh, thay đổi đường bay, tránh vùng chiến sự nhằm bảo đảm an toàn chuyến bay; thực hiện cung cấp thông tin trước về hành khách đối với các chuyến bay quốc tế…
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng không Việt Nam trong thời gian tới. 
Tháng 4/2014, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá vùng trời phía trên thành phố Simferorol ở bán đảo Crimea (Ukraine) là không an toàn. Hàng không Việt Nam đã thực hiện khuyến cáo này như thế nào, thưa ông?
Từ sau chiến sự xảy ra ở Iraq, Hàng không Việt Nam đã luôn chủ động tìm các đường bay an toàn, tránh vùng chiến sự, nên trước khuyến cáo của ICAO, việc điều chỉnh đường bay của chúng ta khá nhanh và thuận lợi.

Trước ngày 17/7, máy bay của Vietnam Airlines (VNA) có bay qua phía Nam của Vùng thông báo bay Simferopol, nhưng không bay qua vùng chiến sự.

Ngay sau sự kiện ngày 17/7, VNA không sử dụng đường bay này nữa mà bay qua không phận Belarus. Tuy nhiên, đường bay qua không phận Belarus chỉ sử dụng tạm thời. Về lâu dài, Việt Nam sẽ sử dụng đường bay phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính đến ngày 21/7, còn 3 quốc gia chưa cấp phép cho Việt Nam bay qua không phận của họ. Theo tôi, không phải 3 nước gây khó khăn không cấp phép, mà hiện đường bay này quá đông do các nước đều tránh Vùng thông báo bay Simferopol sau thảm hoạ ngày 17/7 của Malaysia Airline nên rất khó khăn trong việc điều phối đường bay.
Hiện nay, Hàng không Việt Nam đang khai thác đường bay đến bao nhiêu quốc gia qua không phận Ukraine và việc điều chỉnh này có đẩy chi phí lên cao không, thưa ông?

Hiện nay, chỉ có 3 nước khu vực Tây Âu là Anh, Đức và Pháp chúng ta phải bay qua vùng FIR Simferofol, còn vùng Đông Âu không liên quan đến không phận Ukraine.
Việc điều chỉnh sang đường bay qua Belarus sẽ làm hành trình bay xa hơn, thời gian bay tăng thêm khoảng 10 phút đối với các đường bay đến 3 nước này. Mỗi chuyến bay phải giảm tải thương mại khoảng 500kg và nạp thêm khoảng gần 3 tấn nhiên liệu, tương đương 60 triệu đồng. Tính trung bình, 1 tháng VNA sẽ phải chi thêm 10 tỷ đồng nhiên liệu cho việc bay tránh vùng nguy hiểm trên không phận Ukraine.
Về mặt chi phí cũng như hành trình, đường bay qua Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus tương đương nhau, nhưng đường bay qua Thổ Nhĩ Kỳ về lâu dài ổn định hơn.
Năm 2011, Chính phủ đã có Nghị định về cung cấp, xử lý thông tin hành khách trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không như một biện pháp sàng lọc, đảm bảo an ninh hàng không. Đến nay, Nghị định này đã được triển khai chưa, thưa ông?
Ở Mỹ, từ sau vụ 11/9/2001, nước này đã yêu cầu, tất cả các hãng hãng không quốc tế trước khi bay vào không phận của Mỹ phải thông báo trước về thông tin hành khách trên chuyến bay. Trong khi trước kia, máy bay hạ cánh thì danh sách hành khách mới được nộp cho sân bay.
Tại Việt Nam, ngày 9/4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2011/NĐ-CP về cung cấp, khai thác, xử lý và sử dụng thông tin hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không. Mặc dù, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011, nhưng do nhiều lý do, Chính phủ tiếp tục gia hạn thi hành từ ngày 15/4/2014. Song, phải đến ngày 15/7/2014, chúng ta mới thực hiện được.
Ông có thể nói rõ hơn về việc thông tin trước về hành khách là như thế nào?
Thông tin trước về hành khách là thông tin về chuyến bay, thông tin về hành khách và tổ bay được các hãng hàng không cung cấp dưới dạng dữ liệu máy tính (dữ liệu API - Advance Passenger Information) cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi nhập cảnh tại một sân bay quốc tế của Việt Nam.
Dữ liệu này có thể bao gồm thông tin về phi hành đoàn, hành khách và du khách quá cảnh. Thông tin này sau đó được phân tích rủi ro, kiểm tra đối chiếu với danh sách cảnh báo và được sử dụng cho kiểm soát nhập cảnh, an ninh và các mục đích quản lí rủi ro của Hải quan. Mục tiêu chính của hệ thống này là cung cấp cảnh báo rủi ro trước về những người thuộc đối tượng nghi vấn nhập cảnh. Tuy nhiên, API cũng đem lại hiệu quả trong việc làm thủ tục nhập cảnh nhanh hơn cho hành khách khi đến.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các dữ liệu về chuyến bay, dữ liệu về hành khách và tổ bay với dữ liệu hoặc thông tin cảnh báo có liên quan đến an ninh hàng không, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Có bao nhiêu hãng hàng không có đường bay đến Việt Nam và dữ liệu AIP được cung cấp cho những cơ quan nào, thưa ông?
Hiện có 46 hãng hàng không từ 24 vùng quốc gia, lãnh thổ có đường bay đến Việt Nam. Các cơ quan có thẩm quyền khai thác, xử lý thông tin AIP gồm: Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không Cảng hàng không quốc tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, các đồn công an cửa khẩu sân bay quốc tế, Cục Điều tra chống buôn lậu, các chi cục Hải quan sân bay quốc tế...
Trân trọng cảm ơn ông!
(Chinhphu.vn)