Hàng không thế giới xáo trộn vì dịch Ebola

Thứ Tư, 13/08/2014 - 11:06 GMT+7

 Dịch bệnh Ebola ngày càng lan rộng tại khu vực Tây Phi, trở thành ổ dịch lớn nhất trong lịch sử. Các hãng hàng không trên thế giới bắt đầu siết chặt việc theo dõi và kiểm soát, nhằm tránh virus lan sang các nước khác.

Ngừng, hủy chuyến đến vùng dịch
Đại dịch Ebola khiến không ít hãng hàng không tổn thất do phải cắt giảm một số chuyến bay, đồng thời chịu thêm chi phí tăng cường an ninh, kiểm tra y tế. Đi đầu là các hãng hàng không lớn thường xuyên có các chuyến bay qua lại Tây Phi như: Emirates Airlines (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Arik Air (Nigeria). Hai hãng này bắt đầu hủy các chuyến bay tới khu vực này từ cuối tháng 7 và kéo dài cho tới khi có thông báo an toàn. 
Khi virus Ebola khiến khoảng 1.013 người thiệt mạng, các hãng hàng không tại Anh, Pháp, Mỹ mới bắt đầu thực hiện biện pháp an toàn. Ngày 5/8 vừa rồi, hãng British Airway (Anh) ra lệnh ngừng các chuyến bay tới Sierra Leone và Liberia. Đại diện British Airway cho biết: “An toàn của hành khách, tổ bay và các nhân viên mặt đất luôn là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi sẽ thường xuyên xem xét độ an toàn của tuyến bay này trong thời gian tới”. Tại Pháp, tất cả hành khách lên các chuyến bay thuộc hãng Air France từ Guinea và Sierra Leone phải đo nhiệt độ tại sân bay trước khi nhận thẻ lên máy bay. 
Trong khi đó, sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) đã thiết lập các điểm kiểm soát dành cho những hành khách tới từ Nigeria, bao gồm kiểm tra thân nhiệt. Việt Nam, Nga, Philippines, Myanmar, Australia đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngay ở sân bay. Ngày 11/8, Sở Y tế Penang (Malaysia) đặt máy đo thân nhiệt và một camera hồng ngoại kết nối với trung tâm giám sát tại các cổng nhập cảnh của Sân bay quốc tế Penang. Giám đốc Sở Y tế Penang, ông Datuk Dr Lailanor Ibrahim cho biết thêm “các nhân viên y tế với thiết bị chuyên nghiệp túc trực tại sân bay để kịp thời phản ứng trong trường hợp phát hiện bệnh nhân bị sốt”. 
Tuy Việt Nam không có các chuyến bay thẳng tới Tây Phi nhưng vẫn thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch bệnh. Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, từ ngày 8/8, ba máy quét và camera quan sát được trang bị ở cổng nhập cảnh nhằm phát hiện khách có thân nhiệt cao để cách ly.
Lời khuyên cho hành khách
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khuyến cáo các hãng hàng không có tuyến đường bay tới các nước có dịch Ebola cần phải trang bị trên máy bay bộ dụng cụ y tế có tên “Universal Precaution Kits” để kịp thời chữa trị, cách ly các hành khách bị bệnh ngay trên máy bay.
Những người bị phơi nhiễm virus Ebola tuyệt đối không nên di chuyển bằng máy bay dân dụng cho đến khi kết thúc giai đoạn theo dõi các triệu chứng bệnh kéo dài trong 21 ngày. Để đề phòng lây lan dịch bệnh, quan trọng nhất, hành khách luôn phải lưu ý giữ vệ sinh tay. Ngoài ra, nếu phát hiện một người nào đó có triệu chứng như bị sốt, lạnh, đau cơ, tiêu chảy, nôn mửa,… hành khách cần có trách nhiệm báo cáo ngay với các thành viên phi hành đoàn để họ kịp thời xử lý. Nếu chỗ ngồi hoặc thảm dưới chân bị dính máu hoặc chất dịch cơ thể, phải lau chùi ngay và vứt vào các túi chất thải y tế. Sau đó, xử lý găng tay cẩn thận, tránh để dây sang tay hoặc quần áo, rửa tay bằng xà phòng sau khi tháo bỏ găng tay. 

Gửi thuốc điều trị thử nghiệm tới Liberia
Giới chức Liberia cho biết nước này sẽ nhận thuốc điều trị thử nghiệm virus Ebola từ  Mỹ, để điều trị cho các bác sĩ bị nhiễm bệnh. Tổng thống Liberia - Ellen Johnson-Sirleaf cuối tuần trước đã đề nghị trực tiếp Tổng Mỹ Barack Obama hỗ trợ đối phó với dịch bệnh. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan cũng đã cho phép Liberia nhận thêm thuốc điều trị thử nghiệm để chữa trị cho các y, bác sĩ nhiễm bệnh. Loại thuốc điều trị thử nghiệm có tên Zmapp do Công ty dược phẩm Công nghệ sinh học Mapp (Mapp Biopharmaceutical) có trụ sở tại California (Mỹ) sản xuất. Loại thuốc này đã được dùng để điều trị cho hai nhân viên hỗ trợ nhân đạo của Mỹ và một nhà truyền giáo Tây Ban Nha bị nhiễm Ebola.
 
                                                                             (Nguồn: Báo GT)