Đảm bảo thống nhất Luật Hàng không dân dụng với các luật khác

Thứ Năm, 17/07/2014 - 10:37 GMT+7

 Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, chiều 15/7, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và giải thích Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo.

Đảm bảo thống nhất Luật Hàng không dân dụng với các Luật khác liên quan
Về quy định Nhà chức trách hàng không, qua thảo luận, các ý kiến đều tán thành việc bổ sung quy định về “Nhà chức trách hàng không” trong Luật để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa phù hợp với các điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, quy định cụ thể cá nhân, cơ quan nào là Nhà chức trách hàng không thì còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không. Ý kiến khác nhất trí với dự thảo Luật quy định “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không.”
 
alt image
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng trong Luật Hàng không dân dụng năm 2006 chưa xác định chủ thể nào là Nhà chức trách hàng không, nhưng trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản xác định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, có văn bản xác định Cục Hàng không Việt Nam...
Thực tiễn thực hiện các điều ước quốc tế, nhiệm vụ của Nhà chức trách hàng không Việt Nam được giao cho Cục Hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì "Nhà chức trách hàng không" phải có thẩm quyền quy định về đối tượng, chính sách an toàn hàng không.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nhà chức trách hàng không chỉ có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không thể giao cho Cục Hàng không Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không.
Về quy định loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, nhiều ý kiến nhất trí quy định về các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để bảo đảm thống nhất với Luật giá.
Về vấn đề này, các đại biểu nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay bị nâng giá rất cao, gây bức xúc xã hội trong thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập về giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá bao gồm: giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hàng không khác.
Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước kiểm soát giá tại các cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Cho ý kiến về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, có ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải.
Ý kiến khác tán thành dự thảo Luật quy định Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.
Để bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý sân bay chuyên dùng, các đại biểu đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo loại ý kiến thứ nhất, giao Bộ Quốc phòng thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng để bảo đảm tính khả thi, minh bạch...
 (TTXVN/Vietnam+)