Triệt để tiết kiệm chi để tăng lương

Thứ Năm, 08/11/2012 - 11:01 GMT+7

 Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã sơ bộ báo cáo phương án tích cực và khả thi nhất có thể để vẫn đảm bảo tăng lương, dù muộn hơn 2 tháng so với lộ trình.

Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã sơ bộ báo cáo phương án tích cực và khả thi nhất có thể để vẫn đảm bảo tăng lương, dù muộn hơn 2 tháng so với lộ trình.
Như Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói, vấn đề tăng lương theo lộ trình không chỉ là mong muốn của người hưởng lương, trong đó có cả chính Bộ trưởng, mà còn là mối quan tâm hàng đầu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc cũng như các vị đại biểu Quốc hội.
Để có thể tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/5/2013, cần khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng. Điều này vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp.
“28/63 tỉnh thành phố, trong đó chủ yếu là những tỉnh trọng điểm thu có thể không đạt dự toán thu. Năm 2013, tình hình thu ngân sách cũng dự báo là khó khăn do mức tăng trưởng dự kiến chỉ khoảng 5,5%”, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.
Tuy nhiên, nhằm  đáp ứng nguyện vọng của người hưởng lương, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội một phương án tăng lương để Quốc hội xem xét khi quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này.
Theo đó, sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) thêm 100.000 đồng người/tháng trong 6 tháng bắt đầu từ 1/7/2013.
Tổng số kinh phí cần là khoảng 21.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương lo 18.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương lo 3.300 tỷ đồng.
Bộ trưởng trình bày, do tất cả các khoản dự toán thu từ xuất khẩu, dầu thô, sử dụng đất đều ở mức cao, có độ rủi ro lớn, chắc chắn không thể tăng thu để có nguồn tăng lương. “Do vậy, cần thiết phải cơ cấu lại các khoản chi và triệt để tiết kiệm chi”.
“Đây là quan điểm đã được các Ủy ban và Thường vụ Quốc hội thống nhất”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.
Để có nguồn thực hiện phương án tăng lương như trên, dự kiến: Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội giảm mức đầu tư công 10.000 tỷ đồng, như vậy đầu tư từ ngân sách năm 2013 chỉ còn 170.000 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000-60.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho cả giai đoạn từ nay đến 2015; tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, khoảng 1.600 tỷ đồng; giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng còn 73.200 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách năm 2012 có tăng thu, sẽ bố trí để ưu tiên cho khoản chi này; khoản ngân sách địa phương cân đối  3.300 tỷ đồng lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và từ phần 50% tăng thu dành cho lương còn lại ở một số địa phương.
“Đây là phương án tính cực và khả thi nhất có thể. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7-8%/ năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho công chức, người lao động, người hưởng lương”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
(Chinhphu.vn)