Tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng yếu ngành GTVT

Thứ Bảy, 24/08/2013 - 11:26 GMT+7

 Bộ trưởng Bộ GTVT vừa có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành GTVT. “Ban sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm, đó là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ và tái cơ cấu vận tải”, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên - Phó Ban Chỉ đạo chương trình tái cơ cấu này cho biết khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.

Tháo điểm nghẽn
Thưa Thứ trưởng, đâu là trọng tâm cần phải tái cơ cấu để tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của ngành GTVT?
Thực hiện Nghị định 339 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Ngành do Bộ trưởng làm Trưởng ban, xác định tập trung tái cơ cấu (TCC) 3 lĩnh vực chủ yếu đó là đầu tư công, doanh nghiệp và vận tải.
Trong 3 lĩnh vực này, Bộ đã khởi động chương trình TCC đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông công từ khá sớm, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 13, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Kế hoạch TCC doanh nghiệp ngành GTVT cũng đã được đốc thúc triển khai quyết liệt với hàng loạt đề án TCC TCT Hàng hải VN, TCT Hàng không VN, TCT Đường sắt VN, TCT Cảng hàng không VN, Tập đoàn Vinashin... đã được Chính phủ phê duyệt. Các TCT khác như TCT Công nghiệp ô tô VN, các TCT xây lắp như: Cienco 1, 4, 6, 8, Thăng Long... đều có kế hoạch cổ phần hóa (CPH) xong trong năm 2013.
Về TCC vận tải, một đề án hài hòa các phương thức vận tải  cũng sẽ được duyệt vào quý III tới. Mục tiêu là kết nối các phương thức, hạ giá thành vận tải, giảm chi phí sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và cho nền kinh tế.

Đổi mới đồng bộ, tái cơ cấu mạnh mẽ
Những tồn tại về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang được cho là tạo nên nút thắt cổ chai, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, xin Thứ trưởng cho biết ngành Giao thông sẽ giải quyết các nút thắt này như thế nào?
Có thể nói, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Còn nhiều tuyến quốc lộ chưa được nâng cấp, một số tuyến vận tải chính yếu đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc. Hệ thống đường sắt vẫn lạc hậu, tốc độ thấp, không đảm bảo an toàn chạy tàu. Hầu hết các tuyến đường thủy nội địa đang khai thác trên luồng lạch tự nhiên chưa được đầu tư nhiều. Cảng biển chưa khai thác hết lợi thế địa lý, cảng tại các vùng kinh tế trọng điểm đã quá tải, chưa có cảng trung chuyển có công suất lớn và hiện đại. Cảng hàng không  tại các trung tâm kinh tế lớn đã và sẽ quá tải trong tương lai gần. Hệ thống giao thông địa phương chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.
Nguồn vốn đầu tư hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư quá cao, xuất phát điểm nền kinh tế thấp lại thêm công tác đầu tư thiếu đồng bộ, trọng tâm và thiếu kết nối giữa các loại hình cộng với quá trình bảo trì chưa đáp ứng yêu cầu đã tạo ra nhiều nút thắt cổ chai làm cản trở sự phát triển.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đã xây dựng đề án TCC đầu tư phát triển KCHTGT, trong đó chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân, xác định rõ mục tiêu, nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn theo tinh thần Nghị quyết 13 và theo chiến lược, quy hoạch đã được duyệt, cân đối nguồn vốn để xác định kế hoạch đầu tư hiệu quả.
Theo đó, đến năm 2015, tập trung giải quyết các điểm nghẽn gây bức xúc, xem xét giãn tiến độ các công trình chưa cấp bách, chú trọng bảo trì hệ thống hạ tầng hiện có, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng yếu trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tỷ trọng đầu tư giữa các vùng miền và các chuyên ngành Giao thông cũng được xem xét điều chỉnh, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các lĩnh vực, tập trung phát triển hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm. Cần xác định rõ quan điểm đầu tư là không trông chờ vào NSNN mà  phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ mọi thành phần kinh tế với các hình thức đầu tư khác nhau để phát triển hạ tầng. Ngân sách chỉ tập trung GPMB, hỗ trợ đầu tư để tăng tính thương mại cho dự án hạ tầng, chỉ đầu tư vào các công trình không thể kêu gọi vốn xã hội.
Đồng thời, phải đổi mới đồng bộ trong tất cả các khâu, từ thể chế chính sách, chủ trương đầu tư, huy động nguồn lực, xây dựng lực lượng và tổ chức thực hiện đầu tư quản lý khai thác.
Siết chặt quản lý
Các đề án thành phần đã được triển khai khá sớm và tới đây sẽ được chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Vậy xin Thứ trưởng cho biết những nội dung TCC đã được thực hiện trong thời gian vừa qua?
Trước hết, Bộ GTVT đã điều chỉnh lại chiến lược phát triển GTVT phù hợp với Nghị quyết 13, các quy hoạch chuyên ngành của từng lĩnh vực cũng được rà soát, điều chỉnh và phê duyệt. Riêng quy hoạch phát triển hàng hải và đường sắt đang thực hiện báo cáo cuối kỳ và sẽ trình Chính phủ phê duyệt sớm.
Thực hiện chủ trương TCC đầu tư, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo tiến độ các dự án lớn có sức lan tỏa như các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, nhà ga T2 Nội Bài... đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý vốn và đã triển khai mở rộng QL1 thành 4 làn xe  vào cuối 2016.
Riêng đối với các dự án khác, từ năm 2011 đến nay, ngành đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 1792 của Chính phủ, chỉ đầu tư các công trình đã xác định được nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án dở dang, ưu tiên các dự án có thể hoàn thành trong năm. Chỉ khởi công các dự án thực sự cấp bách và cân đối được nguồn vốn. Quản lý chặt chẽ nguồn vốn, không điều chỉnh dự án không đúng quy định.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm nợ đọng trong đầu tư xây dựng.
Về TCC doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ  xác định việc đẩy mạnh TCC cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2013. Đến nay, tất cả các Đề án TCC tập đoàn, TCT của Bộ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, tiến độ CPH còn chậm, do 2 nguyên nhân chủ yếu: Một là khó khăn về tài chính, âm vốn chủ sở hữu, phải xử lý qua mua bán nợ; Hai là các quy định về đối chiếu công nợ, phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH DNNN chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi. Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp quyết liệt thực hiện kế hoạch TCC đã được phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với phát triển thị trường.
Riêng về TCC vận tải, các đề án liên quan tới việc hài hòa các phương thức vận tải đang được nghiên cứu, xây dựng để ban hành vào tháng 10 năm nay./.
(giaothongvantai.com.vn)