Kế hoạch này dự kiến tạo ra 9 khối không phận mà ở đó các thủ tục vận hành, kỹ thuật công nghệ và hệ thống cước phí sẽ được áp dụng chung nhưng đến nay vẫn "chưa đâu vào đâu".
Các hãng hàng không EU có lợi nếu áp dụng vùng trời chung Châu Âu
Nhiều nước không mặn mà
Trong một bài phát biểu trước thềm Hội nghị của các cơ quan và nhà quản lý giao thông hàng không tại Limassol, Cộng hòa Síp, Ủy viên EU Siim Kallas nói rằng: "Đã có một số dấu hiệu chuyển biến nhưng tiến độ còn quá chậm. Chúng ta cần tìm ra các giải pháp mạnh hơn để có thể đưa hệ thống quản lý không lưu hợp nhất vào áp dụng trong thời gian sớm nhất".
Theo tiến độ thời hạn ban đầu EU đề ra là vào tháng 12 năm nay, tất cả các thành viên EU sẽ hoàn tất thỏa thuận sáp nhập không phận các quốc gia EU. Các nước tham gia thỏa thuận sẽ phải chứng minh hiệu quả trong việc giảm chi phí hệ thống kiểm soát không lưu và tăng trưởng giao thông hàng không. Theo ông David McMillan, Tổng giám đốc Eurocontrol - một cơ quan nằm ở Brussels, Bỉ chịu trách nhiệm điều phối không lưu trong 39 vùng trời có quyền tài phán, thì đây là một dự án thay đổi quản lý với quy mô lớn mà không có nhà lãnh đạo nào một mình có thể "cầm cương" được.
Nhiều chính phủ ở Châu Âu không mặn mà với kế hoạch này vì họ lo lắng phải hy sinh quá nhiều chủ quyền không phận cũng như từ bỏ quyền lực đối với các cơ quan quản lý không lưu mà phần nhiều trong số đó là những cánh tay đắc lực của các Bộ GTVT. Chỉ một số ít thỏa thuận khối không phận đã được ký kết. Đó là lý do ông Kallas dự định sẽ gây áp lực với các nước tại Hội nghị Vùng trời chung Châu Âu bằng dự luật mới buộc các nước thành viên phải phát triển những kế hoạch hoạt động chung. Luật cũng sẽ giúp củng cố quyền lực của Eurocontrol, cơ quan quản lý mạng lưới hàng không, trao cho cơ quan này nhiều quyền hơn trong công tác quy hoạch tuyến đường hàng không và lên kế hoạch cho chương trình “Vùng trời chung Châu Âu”.
Nhiều lợi ích của vùng trời chung
Giám đốc phụ trách cước phí tại Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, ông Hemant Mistry cho biết, hệ thống không lưu Châu Âu bị phân mảnh như hiện nay dẫn đến hậu quả năm 2011 có gần 18 triệu phút chậm trễ tương đương với khoảng 2 phút cho mỗi chuyến bay và chi phí phụ trội gần 1 tỷ euro. Đây cũng là tác nhân gây ra hơn 8.000.000 tấn phát thải carbon phụ trội cho ngành Hàng không dẫn đến việc châu Âu đánh thuế phát thải carbon. Phần lớn các chi phí đều tính vào giá vé, trong đó chi phí quản lý không lưu chiếm tới 12%. Các cơ quan không lưu quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước những chi phí quá mức của hệ thống bởi lẽ nhiều cơ quan còn đảm nhận luôn cả những việc như theo dõi thời tiết và đào tạo nhân viên, trong khi những việc này có thể hợp đồng ngoài với chi phí thấp hơn.
Giám đốc điều hành của NATS - cơ quan phụ trách không lưu của Anh, ông Richard Deakin cho biết: “Khó khăn là ở chỗ làm thế nào để tìm ra cách giải quyết tất cả các vấn đề đó trong một môi trường vô cùng phức tạp. Rất nhiều những khoản chi phí bản thân chúng ta thực sự cũng không thể kiểm soát được".