Mong Dự án cảng hàng không Long Thành sớm triển khai để dân ổn định cuộc sống

Thứ Bảy, 30/05/2015 - 20:24 GMT+7

 Đây là chia sẻ chung của bà con các xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi có quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mong Dự án sớm triển khai để dân ổn định cuộc sống
Chia sẻ với phòng viên, anh Phạm Mạnh Đức ngụ tại ấp 1, xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - một trong 6 xã của huyện Long Thành được quy hoạch để xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, cho biết, anh và gia đình biết có chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành từ lâu lắm rồi. Bản thân anh Đức và gia đình đều ủng hộ chủ trương này. Anh Đức cũng cho biết thêm, chẳng thấy ai ở khu vực này phản đối và không hiểu tại sao đến giờ vẫn chưa thấy Dự án “nhúc nhích”. “Cơ quan nào làm thì làm luôn đi, kéo dài mãi chỉ khổ bà con vì biết đất trong quy hoạch nhưng không biết bao giờ triển khai Dự án mà còn tính chuyện canh tác hay nuôi trồng lâu dài”, anh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Phạm Mạnh Đức cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ tái định cư và tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con khu vực.
alt image
 Khu vực xã Suối Trầu, huyện Long Thành xưa nay chỉ trồng được cây cao su là chủ yếu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, 100% người dân đồng thuận
triển khai Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành
Cùng ý kiến đồng thuận về việc xây dựng sân bay và chủ trương di dân tái định cư phục vụ Dự án, bà Nguyễn Thị Mai (Ấp 1, xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cũng mong muốn cuộc sống nơi ở mới ổn định, công ăn việc làm tốt hơn.
Bà Mai cũng chia sẻ, đất đai ở đây chủ yếu là rừng cao su hoặc ven rừng cao su, đất bạc màu, cằn cỗi nên canh tác cây trồng cũng không hiệu quả. “Ai cũng mong dự án sớm triển khai để người dân thay đổi cuộc sống. Dự án làm chậm khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch cũng khó làm ăn. Nhà có mấy chục cây điều già cũng không dám cưa, sợ mất trắng không được đền bù. Có sân bay biết đâu đời sống bà con nơi này sẽ tốt hơn”, bà Mai chia sẻ.
100% người dân và tổ chức đồng thuận triển khai Dự án
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu then chốt, đảm bảo việc triển khai, xây dựng Dự án đúng tiến độ, ngay từ tháng 4/2014 Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Đồng Nai đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng thành lập tổ điều tra và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bồi thường khu tái định cư và tạo việc làm cho người dân tại khu vực Dự án. Theo đó, hơn 4700 hộ dân thuộc diện di dời sẽ được lựa chọn 2 khu vực tái định cư là Lộc An Bình Sơn và khu Bình Sơn.
“Để có cơ sở thành lập Đề án, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập tổ điều tra phát phiếu thăm dò ý kiến của 4730 hộ dân, 25 tổ chức và 3 cơ sở tôn giáo xem có đồng thuận về việc triển khai Dự án hay không”, ông Thanh nói.
Trước đó, có 25 hộ dân không đồng ý di dời, nhưng sau khi được giải thích rõ về Dự án cũng như các điều kiện khác hiện 100% số hộ dân và các tổ chức kinh tế, xã hội, tôn giáo đã đồng ý chuyển tới 2 khu tái định cư của Dự án. Chúng tôi cũng đã gửi phương án tái định cư tới các bộ, ngành Trung ương xin ý kiến. Khi Quốc hội thông qua chủ trương Dự án sẽ trình Thủ tướng phương án tổng thể", ông Thanh khẳng định.
Đảm bảo người dân ổn định cuộc sống sau tái định cư
Nói về việc thực hiện chính sách đền bù tái định cư và hỗ trợ bà con trong khu vực Dự án ổn định cuộc sống, Phó Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã có phiếu thăm dò ý kiến nhân dân về yêu cầu được đào tạo việc làm theo đúng nhu cầu và khả năng của mình như yêu cầu được học lái xe, học các ngành nghề phục vụ tiểu thủ công nghiệp nhỏ…
Tất cả các chi phí về đào tạo nghề, sinh hoạt… của bà con trong diện này đều sẽ được hỗ trợ.
alt image
Ông Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định 100% hộ dân huyện Long Thành đồng ý di dời phục vụ Dự án 
“Trong công tác điều tra, chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin của người thuộc diện di dời. Những người trong độ tuổi lao động 2 năm tới, 5 năm hay 7 năm tới đều được tổng hợp đầy đủ đồng thời đối chiếu với việc quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn. Hiện trong quy hoạch, Đồng Nai sẽ có tới 35 khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Hiện tại, về cơ bản, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng hoàn thành khung chính sách để phục vụ công tác đền bù hỗ trợ tái định cư; sẵn sàng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi Dự án có chủ trương được thực hiện. Do đó, tôi chắc chắn, sẽ không có người dân nào trong khu vực Dự án không có việc làm và mọi người dân sẽ sớm ổn định được cuộc sống”, ông Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định.
Nguồn: mt.gov.vn