Trong thông báo ngày 19/10, Airbus cho biết quyết định trên đánh dấu một bước đi mới của tập đoàn tại thị trường Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành hàng không trong tương lai, đồng thời mở rộng sân chơi của mình tại thị trường máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Hiện tại, Airbus cho biết đang đầu tư hơn 1 tỷ đôla Mỹ tại khu vực Nam Caliphonia. Riêng trong năm 2011, Airbus cũng đã đầu tư cho hơn 400 nhà máy sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ tại hơn 40 bang của Mỹ.
Phát biểu tại một hội nghị ở Lốt Angiơlét (Los Angeles), Chủ tịch chi nhánh Airbus tại Mỹ Alan Mắc Áttơ (Allan McArtor) cho biết các thương vụ giữa Airbus và các công ty Mỹ đã và đang giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, đồng thời bày tỏ tin tưởng con số này sẽ tăng lên trong những năm tới trong bối cảnh hãng này ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình trên đất Mỹ. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, những khoản đầu tư của Airbus mang lại 210.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Trước đó hồi tháng 7, "gã khổng lồ" trong ngành hàng không này đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay đầu tiên của mình tại thành phố cảng phía Nam Môbai (Mobile), bang Alabama (Alabama) trên Vịnh Mêhicô (Mexico), quê hương của đối thủ Boeing với tổng giá trị đầu tư 600 triệu USD. Airbus ước tính trong vòng 20 năm tới, nước Mỹ sẽ cần hơn 4.000 máy bay mới và nhà máy mới này có thể giúp thị phần của hãng tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên 40%, cao gấp đôi hiện nay. Theo kế hoạch, nhà máy được đầu tư khoảng 600 triệu này sẽ là nơi sản xuất loại máy bay chở khách A320, đối thủ cạnh tranh trực tiếp dòng máy bay thương mại 737 của Boeing. Giới phân tích nhận định việc xây dựng nhà máy đầu tiên của Airbus ở Tây bán cầu là một động thái đe dọa trực tiếp sự thống trị của hãng Boeing ở thị trường Mỹ.
Năm 2011 được coi là một năm "gặt hái" của Airbus. Tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu này đã nhận được 1.378 đơn đặt hàng trong năm tính đến tháng 11/2011 bất chấp một số hợp đồng mua máy bay siêu lớn A380 của hãng bị hủy bỏ. Trong khi đó, Boeing cũng tiếp tục ăn nên làm ra với lợi nhuận "đáng nể" 923 triệu đôla Mỹ trong quý I/2012, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái./.