Tuần trước, hãng hàng không giá rẻ Lion Air của In-đô-nê-xia đã ký hợp đồng 18,4 tỷ euro (24 tỷ đôla Mỹ) để mua 234 máy bay tầm trung A320 của Airbus. Hợp đồng trên được coi là thương vụ giá trị nhất trong lịch sử.
Trước đó hồi năm 2011, Lion Air đã đặt mua 230 máy bay của Boeing với tổng giá trị 22,4 tỷ đôla Mỹ.
Hai hãng chế tạo máy bay này đồng chi phối tại các thị trường máy bay cỡ lớn và cạnh tranh mạnh mẽ với nhau. Trong năm 2012, lần đầu tiên trong vòng một thập niên, Boeing đã vượt qua Airbus để trở thành nhà chế tạo máy bay nhiều nhất thế giới xét về số máy bay bàn giao cho khách hàng.
Trong khi hoạt động của ngành hàng không tại các nền kinh tế Tây Âu đang tăng chậm lại, ngành hàng không tại các quốc gia châu Á phát triển bùng nổ mạnh với số hành khách trung lưu đi máy bay gia tăng.
Chính phủ In-đô-nê-xia cho biết nước này đang thúc đẩy việc đi lại bằng đường không tại đất nước có trên 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, nơi sẽ có 900 máy bay dự kiến được chuyển giao cho In-đô-nê-xia trong thập niên tới.
Theo số liệu mới công bố, tiềm năng phát triển ngành hàng không tại In-đô-nê-xia rất lớn, song hiện chỉ có 6% trong số 240 triệu người dân quốc gia này sử dụng dịch vụ hàng không.
Theo Trung tâm Hàng không Châu Á – Thái Bình Dương (CAPA), có khoảng 180 triệu hành khách trong nước sẽ sử dụng dịch vụ hàng không vào năm 2021, tăng gấp ba lần con số năm 2011.
Tin tức nói rằng nhu cầu về máy bay ở Châu Á là rất lớn và sự cạnh tranh giữa các hãng sản xuất máy bay cũng gay gắt. Nhưng thị trường này vẫn có chỗ cho cả Airbus lẫn Boeing, vì riêng một tập đoàn không thể đáp ứng được hết tham vọng phát triển của những hãng hàng không như Lion Air.
Hãng Lion Air, một trong những hãng hàng không tư nhân lớn nhất In-đô-nê-xia, đã đặt mua hơn 460 chiếc máy bay chỉ trong vòng 16 tháng, khiến giới chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu hãng này có thể tìm được nguồn tài chính, đội ngũ phi công và điểm hạ cánh đáp ứng được nhu cầu phát triển này./.