Michael Sinnett, Phó Chủ tịch hãng Boeing kiêm Giám đốc kỹ thuật của chương trình 787 phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo rằng hãng này đã thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo vệ dòng pin lithium-ion tiên tiến do hãng GS Yuasa Nhật bản cung cấp cho loại máy bay này.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã cho phép các máy bay 787 hoạt động trở lại vào ngày 26/4 sau khi đồng ý cho thay thế hệ thống pin mới của Boeing hồi tuần trước.
Ngày 27/4, hãng hàng không Ethiopia trở thành hãng đầu tiên trên thế giới nối lại các chuyến bay thương mại sử dụng loại máy bay này. Hãng này đã thực hiện chuyến bay với chiếc 787 mới được thay pin từ Addis Ababa đến Nairobi.
Mặc dù nguyên nhân chính của các rắc rối về pin vẫn còn chưa rõ ràng song Phó Chủ tịch Boeing cho biết độ an toàn của hệ thống pin mới được đảm bảo do công ty đã thử nghiệm với hơn 100.000 giờ bay.
Ông nói: “Về mặt nào đó, hầu như không có vấn đề gì với việc xác định nguyên nhân căn bản (của sự cố về pin).”
Ông Sinnett cũng lên tiếng xin lỗi vì đã gây phiền toái cho các hành khách 787 ở Nhật Bản.
Hãng hàng không toàn Nhật Bản (ANA) và Hãng hàng không Nhật Bản (JAL) hiện là hai hãng sở hữu số lượng Boeing 787 nhiều nhất thế giới.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp an toàn, hãng sản xuất máy bay dân dụng hàng đầu thế giới này đã cách ly từng bộ pin lithium-ion 8 lõi này bằng các tấm phim bên trong hộp chứa bằng thép không gỉ hút sạch oxy.
Bộ Giao thông Nhật Bản ngày 26/4 đã bật đèn xanh nối lại hoạt động cho các máy bay Dreamliner, mở đường cho việc khởi động các chuyến bay của ANA và JAL sớm nhất là vào tháng Sáu tới./.