Xử lý dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng: Còn nhiều việc phải làm

Chủ Nhật, 19/05/2013 - 12:15 GMT+7

 Khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng (SBQTĐN) được đề cập đến như là “điểm nóng” do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất còn sót lại sau chiến tranh. Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (CPVN) năm 2011, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng VN (BQP) cùng phối hợp thực hiện dự án Xử lý môi trường tại SBQTĐN.

Công nghệ xử lý môi trường

Năm 2010, USAID đã thực hiện đánh giá môi trường, phân tích các điều kiện của SBQTĐN và đánh giá một số công nghệ xử lý dioxin. Công nghệ khử hấp thu nhiệt được xác định là biện pháp minh chứng khoa học và hiệu quả nhất để tiêu hủy dioxin và có tác động thấp nhất đến sức khỏe con người cũng như môi trường trong điều kiện đặc trưng của SBQTĐN.

Ước tính có khoảng 73.000 m3 đất bùn nhiễm bẩn tại SBQTĐN sẽ được đào lên và đưa vào trong một kết cấu chứa (mố) kín nằm trên mặt đất ở sân bay. Khi đó, đất bùn này sẽ được xử lý bằng cách sử dụng công nghệ khử hấp thu nhiệt, nghĩa là nung nóng đất và bùn đến nhiệt độ cao (tối thiểu 335 oC) để tiêu hủy dioxin. Sau xử lý, đất và bùn này sẽ được xét nghiệm để đảm bảo không còn nhiễm nữa, rồi dùng làm đất đắp trên công trường SBQTĐN.

Theo phân tích của Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker, đây là công nghệ xử lý dioxin cải tiến, áp dụng quy trình dẫn nhiệt và hút chân không để xử lý đất và bùn nhiễm dioxin. Theo dự kiến, trên 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong quá trình xử lý nhiệt này. Phần dioxin bay hơi sẽ được chân không hóa ở ngoài và đưa vào hệ thống xử lý thứ cấp dành cho chất lỏng và hơi thoát ra từ mố. Hệ thống xử lý thứ cấp sẽ đảm bảo không để dioxin hoặc các ô nhiễm khác bay ra ngoài môi trường.

Tiến độ

BQP - Quân chủng Phòng không Không quân VN làm chủ dự án, chịu trách nhiệm đảm bảo dự án đáp ứng mọi quy định và luật của VN về bảo vệ môi trường. USAID là cơ quan thực hiện. Các nhà thầu của USAID gồm CDM Smith (nhà thầu quản lý thi công), Tetra Tech, Inc (nhà thầu đào xúc và thi công), TerraTherm, Inc (nhà thầu xử lý khử hấp thu nhiệt), vẫn tiếp tục thực hiện dự án sau khi khởi động vào tháng 8/2012. Hiện các nhà thầu của USAID đang tiếp tục thi công phần mố. Tường chắn hiện đã đạt đủ chiều cao 7,3m ở góc Đông - Nam SB. Các nhà thầu đang lắp đặt một lớp lót bằng nhựa dày, chắc, trên nền của kết cấu nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra ngoài hoặc nước bên ngoài ngấm vào trong.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM Lê Thành Ân cho hay, nhìn tổng thể, các nhà thầu của USAID đến nay đã hoàn tất thi công sân phơi, được dùng để phơi và tập kết đất ướt và bùn trước khi đưa vào xử lý trong mố. Hiện, khoảng hơn 3.200m3 bùn bị nhiễm bẩn từ khu vực đất ngập phía Đông - Nam SB đã được đưa vào sân phơi để giảm lượng nước trước khi đưa vào mố xử lý. Toàn bộ lượng nước rỉ ra từ sân phơi được thu gom và phân tích trước khi xả ra ngoài. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đó mới chỉ là bước khởi đầu. USAID sẽ còn quá nhiều việc phải làm với 73.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin.

Đất và bùn được đào lên đưa vào mố hoàn toàn kín nằm trên mặt đất. Các thanh nhiệt hoạt động ở nhiệt độ khoảng 750 - 800 o C (1400 - 1500 o F) làm tăng nhiệt độ của toàn bộ mố lên đến ít nhất là 335 o C (635o F). Ở nhiệt độ này, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy, làm cho hợp chất dioxin bị phân hủy thành các chất vô hại khác, chủ yếu là CO2, H2O và CI2.

Đất và bùn ô nhiễm sẽ được đưa vào kết cấu mố theo 2 giai đoạn và được làm nóng ở nhiệt độ cao trong vài tháng để làm phân hủy dioxin. Sau khi kết quả phân tích mẫu đất khẳng định đất đã sạch, đất và bùn đã được làm sạch trong giai đoạn 1 sẽ được đưa ra khỏi kết cấu mố; đồng thời đất và bùn ô nhiễm thuộc giai đoạn 2 sẽ được đưa vào kết cấu mố để tiến hành quá trình nung nóng tương tự.

                                                                             (giaothongvantai.com.vn)